Đội bóng 'có đuôi' và… không đuôi

Chưa lâu sau sự kiện Hoàng Anh Gia Lai xin 'gắn đuôi'DN, CLB Bóng đá Quy Nhơn Bình Định cũng đệ đơn lên Ban tổ chức V.League 2023-2024 xin đổi tên...

 

Điều này có nghĩa, ở sân chơi cao nhất quốc nội, số lượng tập thể “không đuôi” (không gắn tên nhà tài trợ) chỉ còn chưa tới phân nửa, đó là: Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Nam và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Lịch sử giải chuyên nghiệp quốc gia nhiều mùa năm qua đã chứng minh, khi doanh nghiệp vì nhiều lý do buộc phải “bỏ bóng đá chạy lấy người” thì CLB cũng “lăn đùng ra chết” (như các CLB: TV Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội… trước đây). Do đó, về hình thức, chuyện một CLB chuyên nghiệp không phải “đèo bòng” một/vài doanh nghiệp theo tên gọi là chuyển động rất đáng mừng bởi khi không còn phải lo chuyện “làm kinh tế”, đội bóng ấy chỉ tập trung vào “chuyên môn” (đây cũng là mô hình của nhiều nền bóng đá tiên tiến trên thế giới). Đơn cử như Thép Xanh Nam Định - kể từ khi “bén duyên” doanh nghiệp mới, ngân khoản mua sắm, chi tiêu bỗng trở nên rủng rẻng và đang nổi lên như ứng cử viên vô địch mùa giải năm nay với 4 trận toàn thắng.

Tuy nhiên, ở xứ ta, chuyện một đội bóng có “cái tên sạch” chưa hẳn đã thực sự thoát khỏi tầm ảnh hưởng tuyệt đối của ông bầu. Hãy xem, sau thời điểm sáp nhập hai đội bóng: Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB (năm 2011), ông bầu Nguyễn Đức Kiên đã cho ra mắt một cái tên “mới toanh”: CLB Bóng đá Hà Nội. Không phải “gánh” một doanh nghiệp cụ thể nào trên lưng nhưng khi bầu Kiên dính vòng lao lý, đội bóng này lập tức bị “xóa sổ”. Tương tự như vậy, khi còn giữ cương vị cao nhất ở Xuân Thành Sài Gòn, bầu Thụy từng đổi tên đội bóng của mình thành Sài Gòn FC song CLB này cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Khi bầu Thụy “chán” sân cỏ, Sài Gòn FC cũng “ra đi”.

Vẫn liên quan đến những đội bóng “không đuôi”, V.League còn chứng kiến những chuyển động khác, hết sức khó lường. Bên cạnh những CLB “đồng sinh, đồng tử” với doanh nghiệp như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai… sân chơi “sang” nhất làng đã và đang tồn tại không ít tập thể vận hành theo mô hình doanh nghiệp đứng tên - “tỉnh” chống lưng. Theo đó, địa phương đề nghị một doanh nghiệp đứng ra tiếp quản; bù lại, “tỉnh” sẽ cấp cho một ngân khoản cố định trong mỗi mùa giải hoặc tạo điều kiện để ông chủ “rộng cửa làm ăn”. Lấy dẫn chứng từ CLB Than Quảng Ninh vài năm trước, như xác nhận của “bầu Hùng” (tại thời điểm năm 2017), theo thỏa thuận ban đầu, mỗi năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ “tác động” để tập đoàn Than Khoáng sản tài trợ cho đội bóng chừng 35 tỷ. Tương tự như vậy, ngày bóng đá Thanh Hóa còn được dẫn dắt bởi cựu bầu Nguyễn Văn Đệ, mặc dù đội bóng xứ Thanh trưng ra thương hiệu “sạch 100%” là Thanh Hóa FC, nhưng để tồn tại, đều đặn hằng năm, ngân sách từ tỉnh vẫn phải “rót xuống” vài chục tỉ đồng.

CLB Hoàng Anh Gia Lai đã xin “gắn đuôi”DN.Đừng quên rằng trong buổi tổng kết V.League 2015, Trưởng đoàn bóng đá Quảng Nam là ông Nguyễn Húp đã từng phản bác quan điểm của người đứng đầu CLB Hoàng Anh Gia Lai (mỗi CLB chỉ cần 15 tỷ/mùa để hoạt động), đại ý là: Mỗi nơi mỗi khác, việc đưa ra “khung kinh phí” này khiến CLB rất khó khăn, vất vả trong việc thuyết phục lãnh đạo tỉnh “rót thêm tiền”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tại V.League đã và đang tồn tại nghịch lý, với những tập thể “có đuôi”, họ sẽ lâm vào tình trạng “dở sống dở chết” khi doanh nghiệp rút lui; nhưng với các đội bóng “không đuôi”, họ thực chất cũng chưa “cai” được “bầu sữa ngân sách”, chưa thể tự đứng vững, “lấy bóng đá nuôi bóng đá”.

Vì lẽ đó, chuyện “gắn đuôi” hay “không gắn đuôi” ở V.League chỉ là tương đối và hoàn toàn không biểu thị cho khái niệm “chuyên nghiệp”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận