Dẫn dắt nhà đương kim vô địch V.League nhiều khả năng sẽ là một thầy ngoại khác, rất quen thuộc với khán giả là Kiatisuk Senamuang - người được nhận định “tài năng” nhưng không thể vực dậy một Hoàng Anh Gia Lai đang chôn chân ở đáy bảng xếp hạng.
8 lượt trần đầu của mùa bóng 2023-2024 có thể xem là chương bi thảm với các ông thầy ngoại đang hành nghề ở V.League. Ngoại trừ vị trí của nhà cầm quân người Bulgaria Velizar Emilov Popov khá vững vàng ở xứ Thanh, sự nghiệp của nhiều đồng nghiệp khác đều rất… ê chề: HLV Thomas Dooley lui về giữ chức giám đốc kỹ thuật của Thể Công Viettel, nhường “tuyến đầu” cho thầy nội Nguyễn Đức Thắng. Và tại chính hậu trường CLB Công an Hà Nội, chiến lược gia người Hàn Quốc - HLV Gong Oh-kyun - sau chuỗi thành tích “bất xứng kỳ vọng” đã bị treo biển “hàng thanh lý” (ban đầu, lãnh đạo đội bóng nhắm tới ông Alexandre Polking nhưng thương vụ bất thành và Kiatisuk được “chọn mặt gửi vàng” như đã đề cập).
Lần giở lịch sử V.League, không khó để nhận thấy, từ khi sân chơi này khoác trên mình tấm áo chuyên nghiệp, đã có tới dăm bảy chục gương mặt thầy ngoại tìm đến “thử lửa”. Giải Vô địch quốc gia chừng trên dưới một thập kỷ trước còn có giai đoạn “bùng nổ” thầy ngoại. Tuy nhiên, thành công chỉ đến với 2 gương mặt là Arjhan Songngamsap (từng hai lần giúp Hoàng Anh Gia Lai đăng quang vào các năm 2003 - 2004) và Henrique Calisto (thống trị giải chuyên nghiệp liên tiếp hai mùa giải 2005 - 2006 ở Đồng Tâm Long An). Còn lượng HLV ngoại thất bại thì… nhiều không đếm xuể. Bất chấp thực tế là trong số các “bại tướng”, có những tên tuổi rất đình đám như cựu HLV trưởng “đội bóng áo đỏ” - A.Riedl hay Ricardo Fomosinho cùng “bản CV” chói sáng: Từng là trợ lý cho chiến lược gia lừng danh Jose Mourinho. Thậm chí, nơi hậu trường TV Ninh Bình (đã giải thể) mùa bóng 2010 còn chứng kiến một chuyển động khó tin khi ông Robert Lim - “giảng viên HLV” của Liên đoàn Bóng đá châu Á, tức “thầy của các HLV” nhưng cũng chỉ trụ được trên ghế “lái trưởng” đội bóng cố đô Hoa Lư sau hơn 1 tháng với thành tích rất tệ hại: 5 điểm/4 trận.
Đã có nhiều giải thích cho thất bại của các nhà cầm quân ngoại ở V.League, nhưng ấn tượng nhất chính là “tổng kết” của HLV Trần Bình Sự. Mùa giải 2015, giảng viên bóng đá Guillaume Graechen bước ra từ giảng đường và chính thức “cầm sa bàn”, hệ quả là CLB Hoàng Anh Gia Lai liên tục “ngã ngựa”. Trước nguy cơ rớt hạng hiển hiện, ông bầu Đoàn Nguyên Đức buộc phải thay thế Guillaume Graechen bằng một gương mặt khá “non nớt” là Nguyễn Quốc Tuấn. Ấy thế nhưng, phép màu đã xảy ra: Đội bóng phố Núi Pleiku bất ngờ trụ hạng vào phút chót một cách ngoạn mục. Chứng kiến sự việc ấy, ông Trần Bình Sự đã cảm thán: Nguyễn Quốc Tuấn hơn Guillaume Graechen ở… các mối quan hệ, còn năng lực chỉ đáng… học trò.
Các “mối quan hệ” (nếu có) ấy phát huy tác dụng ra sao (?) thì chẳng thể “bắt tận tay - day tận trán”, nhưng đúng là V.League từng có những diễn biến rất khó lường, kiểu tập thể nọ đang chạy băng băng bỗng “thua sấp mặt” trước đối thủ đang rất khát điểm để trụ hạng. Oái oăm thay, “chiếc chìa khóa vạn năng” này luôn ngoài tầm với của các thầy ngoại - vốn bất đồng ngôn ngữ, “lệch pha” văn hóa và chẳng am tường “bí ẩn” nơi hậu trường.
Trở lại câu hỏi về tương lai Kiatisuk, không thể không thừa nhận, với nhiều năm lăn lộn ở dải đất hình chữ S (cả trong cương vị cầu thủ lẫn HLV), “Zico Thái” rất am hiểu sân cỏ Việt. Ở khía cạnh khác, chuỗi trận tệ hại của CLB HAGL hơn 2 mùa giải trở lại đây được nhận định là do chất lượng cầu thủ. Nói cách khác, chẳng ai phủ nhận năng lực của cựu tuyển thủ Thái Lan này. Đáng nói hơn, nếu như thất bại của Kiatisuk ở “phố núi Pleiku” bắt nguồn bởi lực lượng thì khi về dẫn dắt Công an Hà Nội, anh sẽ được sở hữu cả “rừng sao”.
Vì lẽ đó, thành công hay thất bại của Kiatisuk tại bến đỗ mới sẽ là "bài test" quan trọng và ý nghĩa để tái khẳng định hoặc phủ định phát ngôn của HLV Trần Bình Sự năm nào: Ở V.League, để thành công, ngoài tài năng, lực lượng dồi dào, HLV còn cần… có quan hệ!