Kết luận chỉ rõ việc cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ thể dục, thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trên tinh thần “có bột mới gột nên hồ”, ngành thể thao nước ta sẽ triển khai kế hoạch để xây dựng nguồn lực vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) và đội ngũ chuyên gia, hậu cần ra sao? Mục tiêu mỗi năm được tăng 10% nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương liệu có thể giúp ngành thể thao tạo ra sự đột phá? PV VOV đã trò chuyện với PGS.TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao về những vấn đề này.
Thưa ông, chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Chiến lược này rất quan trọng đối với ngành thể thao trong giai đoạn hiện nay. Trong chiến lược đó bao gồm nhiều đề án, hợp phần. Ngoài các vấn đề về kinh tế thể thao, khoa học thể thao thì các đề án liên quan đến thể thao thành tích cao có 3 đề án cho bóng đá, điền kinh và các môn thể thao trọng điểm, hướng tới 2030 và tầm nhìn 2045.
Cùng với tầm nhìn dài hạn, các kết quả ngắn hạn cũng là cơ sở quan trọng để củng cố niềm tin và vững bước hướng tới khát vọng Olympic. Vậy, những vấn đề nào sẽ được đặc biệt quan tâm trong ngắn hạn, thưa ông?
Việc đầu tiên trong xây dựng kế hoạch bao giờ cũng phải tính đến yếu tố con người. VĐV phải tính toán trên nhóm môn thể thao mà chúng ta đang có khả năng cạnh tranh về thành tích đối với khu vực châu Á và thế giới. Chúng tôi đã rà soát được khoảng 12 môn thể thao. Còn về HLV, chúng ta đã có những HLV ở tầm cỡ thế giới và Olympic, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và còn hạn chế ở nhiều bộ môn. Nguồn nhân lực còn ở đội ngũ hỗ trợ, khoa học, bác sĩ, tâm lý, dinh dưỡng, hồi phục cho những môn thể thao trọng điểm. Cần huy động các nguồn lực để đội ngũ này được kịp thời bổ sung, hỗ trợ cho ban huấn luyện nhanh chóng nâng cao thành tích, đạt chuẩn Olympic. Trong vấn đề nguồn lực còn có vấn đề cơ sở vật chất. Hiện tại, cơ sở vật chất ở các trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia vẫn lạc hậu. Về nguyên tắc, các trung tâm luyện tập phải đạt chuẩn Olympic về trang thiết bị, sân bãi, phòng hỗ trợ. Ví dụ như phòng tập gym để nâng cao thể lực, hô hấp và cần có trung tâm hồi phục. Bởi sau khi phá vỡ ngưỡng vận động về tốc độ, sức bền, VĐV rất cần hồi phục, mới liên tục nâng cao thành tích. Tuy nhiên, hiện chỉ có trung tâm ởTP HCM là có phòng hồi phục. Đây là bài toán cần giải quyết ngay trong thời gian ngắn. Nguồn lực nữa là về tài chính. Nguồn tài chính hiện tại tương đối hạn hẹp. Sẽ phải có các cuộc làm việc giữa Cục với các địa phương, cũng như các liên đoàn, hiệp hội ở những môn thể thao trọng điểm để phối hợp nguồn lực, giúp VĐV có những chuyên gia hàng đầu thế giới và có điều kiện đi thi đấu, tập huấn nước ngoài.
Ngân sách cấp cho thể thao trong năm 2023 là 710 tỷ đồng. Theo kiến nghị mới nhất, giai đoạn 2024 - 2026, ngành thể thao hy vọng sẽ được Nhà nước đầu tư từ 800 - 850 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026 - 2030, con số này tăng lên 850 - 900 tỷ đồng/năm . Ông có thể phân tích sơ lược về tính khả thi của những con số này, và nếu có được nguồn lực tài chính như vậy, thể thao có thể tạo ra sự đột phá về thành tích hay không?
Đầu tư từ ngân sách Trung ương cho thể thao hằng năm từ 700 - 800 tỷ. Chúng tôi hy vọng ngân sách đầu tư cho thể thao sẽ tăng khoảng 10%. Đây không phải là con số đột phá, bởi riêng tiền đầu tư cho bóng đá đã chiếm 8-10% của 700-800 tỷ. Chúng ta phải hỗ trợ cho VFF trong đào tạo VĐV nữ. Hiện tại, VĐV nữ ở các đội địa phương vẫn rất khó khăn nên kinh phí cho các em tập huấn và thi đấu cũng hạn hẹp. Ngoài số tiền đầu tư cho bóng đá, số tiền còn lại dành cho khoảng 40 môn thể thao, tập trung cao vào 8 môn và 12 môn tập huấn dài hạn, số môn khác thì chỉ khi có sự kiện mới tập trung ngắn hạn để VĐV tập huấn, thi đấu. Vì vậy, con số đưa ra theo hướng tăng 10% một năm cũng không phải là nhiều. Thể thao vẫn cần sự phối hợp các liên đoàn, địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và xã hội hóa. Và tỉ trọng đầu tư từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp xu thế sẽ ngày càng cao hơn tỉ trọng từ Trung ương. Chúng tôi xác định, những gì mà các liên đoàn làm được sẽ để liên đoàn làm, tất nhiên khi đó liên đoàn phải đủ mạnh về bộ máy chuyên môn, điều hành.
Cảm ơn Cục trưởng! ./.
Ngô Đức thực hiện