Đội tuyển Việt Nam: Nhập tịch hay không nhập tịch?

Để đủ lực vươn tầm châu Á, để rộng đường đi World Cup, Đội tuyển Việt Nam không chỉ cần 'tướng giỏi', mà còn cần cả 'hùng binh'.

 

Nguyễn Filip, thủ môn cao 1,91m của Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), có mẹ là người CH Séc, còn cha là ông Nguyễn Minh, quê Hải Phòng. Sát cánh bên con trai trong sự nghiệp cầu thủ, ông Nguyễn Minh đau đáu khát khao một ngày nào đó thấy Filip bước ra sân trong màu áo ĐTVN và cống hiến cho quê hương. Động lực mạnh mẽ đó đã thôi thúc ông Nguyễn Minh thường xuyên kể cho Nguyễn Filip những câu chuyện về quê hương xứ sở, về về văn hóa Việt. Và việc nhập tịch cho Filip được triển khai từ năm 2014. “Từ đó đến nay là gần một thập kỷ, tóc  tôi bạc luôn rồi. Filip cũng kiên trì, theo đuổi mà không bao giờ thất vọng. Khi con ký được hợp đồng với CLB CAHN, con cũng vui. CLB rất quý Filip, không chỉ về vấn đề đãi ngộ mà còn ở việc họ trọng nhân tài. Ngày 6/12/2023, buổi tối cả nhà đang quây quần thì nhận được tin nhập tịch thành công. Cả nhà liên hoan, tự hào gia đình, tự hào dân tộc lắm. Bây giờ mỗi trận đấu của ĐTVN có hát quốc ca, con hát, bố hát, quá tuyệt vời!” - ông Nguyễn Minh kể lại.

Liên tục bắt chính tại ĐTVN từ đầu năm 2024 đến nay, sự hiện diện của Filip tạo ra sức cạnh tranh tích cực để giúp khung thành ngày càng chắc chắn hơn. Quan trọng không kém, hành trình về nước cống hiến của Filip là một cú hích mạnh mẽ cho làn sóng tuyển thủ Việt kiều trong tương lai. Bởi, không có lý do gì để không dang tay chào đón đồng bào trở về, không chỉ riêng trong bóng đá mà các lĩnh vực khác cũng vậy.

Dĩ nhiên, nhập tịch cầu thủ chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Với cầu thủ có dòng máu Việt như Nguyễn Filip còn là cả một hành trình 10 năm, còn với những cầu thủ “100% ngoại quốc” như Rafaelson, hay Hendrio còn gian nan gấp bội, dù họ nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên môn. “Tôi mong muốn những người như Hendrio có thể nhập tịch Việt Nam. Anh ấy quý mến con người Việt Nam, đá V.League cũng lâu rồi, có nguyện vọng nhập tịch thì chúng ta nên mở lòng và tạo điều kiện cho họ. Làm sao để cho ĐTVN mạnh một cách hợp lệ thì chúng ta nên làm. Đừng quên rằng trong quá khứ cũng từng có Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max” - BLV Quang Huy nêu quan điểm.

Đinh Hoàng La (tên gốc là Mykola, người Ukraine) và Đinh Hoàng Max (tiền vệ gốc Nigeria) là những gương mặt của ĐTVN thời HLV Calisto vào những năm 2008-2009. Nguyễn Filip là gương mặt nhập tịch thứ ba. Sẽ là thiếu sót lớn nếu bàn đến tuyển thủ nhập tịch mà lại không có những hồi ức về Phan Văn Santos, một thủ môn thuộc dạng quái kiệt ở đấu trường V.League khi xưa. “Thủ môn Phan Văn Santos đã không hát quốc ca. Đấy là điều không thể chấp nhận được. Và trong quy định nhập tịch nói rõ, anh phải nói tiếng Việt và hiểu được văn hóa Việt. Santos chưa làm được điều đó. Chúng ta có rất nhiều cầu thủ có chuyên môn tốt, tư cách tốt, chứng kiến họ tập luyện, thi đấu, trò chuyện với họ, tôi thấy họ thật lòng muốn cống hiến cho ĐTVN, yêu màu áo đội tuyển, con người, đất nước Việt Nam, chúng ta phải mở cửa đối với những cầu thủ như vậy” - cựu tuyển thủ Phạm Như Thuần nêu quan điểm.

Sự phù hợp chiến thuật của HLV được bàn luận rất nhiều, song cũng cần lật ngược vấn đề, liệu cầu thủ Việt Nam đã phù hợp với đòi hỏi về thể hình, thể lực của bóng đá đỉnh cao. Bên cạnh đó còn có bài học đầy tính thời sự về cuộc trỗi dậy của ĐT Indonesia nhờ đội hình được “Hà Lan hóa”. “Chiều cao của ĐTVN thuộc dạng thấp nhất ở Asian Cup 2023. Đối với một môn thể thao mang tính cạnh tranh trực tiếp rất cao, không thể nói là chúng ta có kỹ năng tốt mà không có thể hình, thể lực. Sẽ thiệt thòi, bất cập. Ngay góc độ châu Á thôi, một số đội bóng họ chơi trường phái giống như châu Âu như: Ả-rập Xê-út, Iran, Australia, Hàn Quốc,… tạt cánh đánh đầu, chuyền dài, chơi bổng. Liệu chúng ta có thể cải thiện điều đó hay không, làm tôi suy nghĩ rất nhiều” - HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Chào đón cầu thủ nhập tịch “chuyên môn giỏi - đạo đức tốt“ là góc tiếp cận hợp thời đại.Chắc chắn số lượng cầu thủ nhập tịch ở bóng đá khu vực sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai. Điều này dĩ nhiên có tác động tới bóng đá Việt Nam. “VFF đang phấn đấu cho kế hoạch World Cup 2030, bóng đá đang thay đổi rất nhanh. Chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ có sự thay đổi về lực lượng. Vừa qua chúng ta đã có cầu thủ nhập tịch từ nguồn gốc Việt kiều. Nhìn sang nước khác, họ cũng đang thay đổi như vậy. Chúng ta không thể nào giữ quan điểm cũ được. VFF sẽ có hướng để lực lượng của chúng ta ngày càng tốt hơn” - Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú khẳng định.

Chú trọng hơn nữa đào tạo trẻ là tầm nhìn bền vững "xây nhà từ móng", còn mở rộng cánh cửa chào đón cầu thủ nhập tịch “chuyên môn giỏi - đạo đức tốt“ là góc tiếp cận hợp thời đại. Kết hợp lại, chúng ta sẽ có đội tuyển quốc gia mạnh để vươn tầm châu Á và hướng tới World Cup./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận