Một cách hành xử khá khó hiểu nhưng lại không phải không có lý, nhất là ở một sân chơi có không ít điều “dị thường” như V.League.
Để có cái nhìn toàn diện về sự im lặng của nhà cầm quân người Bulgaria, trước hết, hãy nhắc lại một chuyển động gần chục năm trước, khi cố HLV Lê Thụy Hải còn dẫn dắt ở đội bóng đất Thủ Dầu Một.
Như chúng ta đã biết, “người đặc biệt” Lê Thụy Hải nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thật, không nể nang bất kỳ ai, dù là lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay “sếp” ở câu lạc bộ. Điều đáng nói là những phát biểu của ông Hải “lơ” thường đồng nghĩa với hé lộ một bí mật mà Ban lãnh đạo muốn che giấu (hay nói một cách văn vẻ là “chưa thuận tiện để công bố”). Bởi vậy, sau vài lần ông Hải đăng đàn, một lãnh đạo đội bóng B.Bình Dương đã lên tiếng nhắc nhở HLV Lê Thụy Hải, đại ý: Hãy biết giữ mồm giữ miệng, tránh phát ngôn bừa bãi kẻo mang vạ vào thân. “Cái vạ” ấy không gì khác là việc cắt hợp đồng trước thời hạn.
Dĩ nhiên, việc nhà cầm quân Velizar Popov chọn giải pháp “No comment!” không giống người đồng nghiệp họ Lê mà có thể một chiến thắng tại thời điểm rất quan trọng (giúp đội nhà tiếp tục nuôi hi vọng cạnh tranh những vị trí cao nhất) đã nói lên rất nhiều điều. Tỉ số chung cuộc chính là con số biết nói (về khả năng sắp xếp đội hình, chiến thuật của HLV trưởng), đồng nghĩa ông Velizar Popov không cần giải thích thêm điều gì. Nói cách khác, dẫu ông Popov “no comment!” nhưng còn giá trị hơn bất cứ một “bình luận” thừa thải nào khác.
Vẫn chuyện “No comment!”, sân chơi “sang nhất làng” lâu nay vẫn hình thành một luật bất thành văn khác: luật im lặng! Đấy là một thỏa thuận ngầm mà các bên trước khi chịu sự ràng buộc lẫn nhau phải chấp nhận: ông bầu kí hợp đồng với HLV trưởng, cầu thủ về đầu quân cho CLB… mà nếu không được sự đồng ý của “bên A” thì “bên B” không được tiết lộ với truyền thông.
Về hình thức, đây là một thỏa thuận cần thiết và phần nào là đúng đắn để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hoặc “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”. Tuy nhiên, điều đáng để bàn là phía sau luật im lặng còn là không ít bí mật động trời mà chỉ khi “người trong cuộc” lên tiếng, dư luận mới tỏ tường.
Ở cấp độ “nhẹ”, luật im lặng chỉ đơn thuần là để “che mắt thế gian”, tránh trường hợp người hâm mộ biết hậu trường đội nhà đang bất ổn. Ở cấp độ cao hơn, luật im lặng còn đồng hành với những khoản “bôi trơn”, “hoa hồng” mà “người ta” thỏa thuận với nhau để “rút ruột” CLB. Cách đây hơn chục năm, hậu trường một đội bóng đóng đại bản doanh ở miền Trung đã “sôi lên sùng sục” khi một ngoại binh tố cáo: Đã “biếu” giám đốc điều hành vài nghìn USD để được sắp xếp đá chính. Ai cũng biết, thời điểm ấy, CLB này nổi tiếng “đại gia”, sau mỗi chiến thắng, cầu thủ đá chính được thưởng vài chục triệu là chuyện bình thường. Và nếu như cái “bí mật” kia không bị “ông Tây” này vì bức xúc mà “bật mí” thì có lẽ chẳng ai biết được thực tế: Cầu thủ được đá chính đôi khi không do năng lực mà còn vì vô số bí ẩn khác.
Trong một biểu hiện khác, mỗi khi cầu thủ về đầu quân cho CLB, gần như người hâm mộ đều không thể biết chính xác giá trị chuyển nhượng. Thậm chí, ngay cả hợp đồng với vài đời HLV trưởng Đội tuyển quốc gia gần đây, khi đề cập đến vấn đề tiền tương, cả hai phía (HLV lẫn lãnh đạo VFF) đều lảng tránh, xin được giữ kín câu trả lời.
Không còn nghi ngờ gì nữa, làng túc cầu quốc nội, trong nhiều bối cảnh, người ta đã lựa chọn cách “im lặng”. Song, phía sau thái độ “no comment!” lại là nhiều thông điệp “chẳng tiện nói ra”!.