Để V.League chuyên nghiệp hơn

Khẳng định V.League sẽ không còn bị ngắt quãng bởi giải trẻ, đơn vị tổ chức cũng tự tin nói về tương lai gần sẽ áp dụng VAR ở tất cả các trận trong 1 vòng đấu.

 

Việc sắp lịch đang vắt kiệt sức các cầu thủ - rất nhiều HLV tại V.League có chung góc nhìn như vậy. Đây là điều dễ hiểu. Mùa giải trước, sau 4 vòng đầu tiên phải tạm dừng hơn 1 tháng để ĐT U20 Việt Nam thi đấu Giải U20 châu Á 2023,  sau khi trở lại, giải đá 3 vòng rồi lại nghỉ hơn 1 tháng cho đội tuyển U23 Việt Nam dự SEA Games 32. Tính tổng cộng 2 quãng nghỉ kéo dài gần 50 ngày để nhường chỗ cho 2 đội tuyển trẻ thi đấu. Mùa giải này tiếp tục chứng kiến tình trạng ngắt quãng vì giải trẻ. Rất nhiều cầu thủ U23 dự bị ở đội V.League, tại sao chúng ta phải dừng giải, đá 2 trận xong dừng cả tháng, xong rồi cứ 3 - 4 ngày/trận, vắt kiệt sức của cầu thủ ở V.League. Như thế này gỉải đấu không thể đi lên được. Cầu thủ Việt Nam không đủ thể lực để chơi những trận đấu căng thẳng như vậy. Phải làm sao cho giải tròn trịa” -  HLV CLB Quảng Nam Văn Sỹ Sơn nêu ý kiến. Còn HLV Vũ Tiến Thành của CLB LPBank HAGL phân tích: “Đá kiểu này chấn thương hết mà chấn thương thì đội tuyển phải chịu. Bây giờ nghỉ một lèo xong rồi vô đá lại, riêng về mặt khoa học thể thao các HLV làm chu kỳ huấn luyện sẽ rất khó. Và có một điều cần cân nhắc nữa là khán giả đã mặc định cuối tuần đến sân, bây giờ đá thứ tư, thứ năm thì ai đến sân? Rõ ràng là không biết cách tổ chức events. Sắp tới đá một lèo xong rồi nghỉ tháng 6. Khi đá FIFA Days, chúng tôi chấp nhận nghỉ 10 - 12 ngày thôi”.

Về phía Công ty VPF, trước mỗi mùa giải, tổ chức điều hành V.League đều tổ chức hội nghị lấy ý kiến các CLB về khung thời gian thi đấu và nghỉ thi đấu. Đáng lưu ý là đại diện cho các CLB dự hội nghị này chưa chắc đã là các HLV, những người sâu sát nhất với việc lên lịch tập luyện - thi đấu. Tất nhiên, với tinh thần cầu thị, Công ty VPF mới đây đã trao đổi với các đội bóng, qua đó điều chỉnh việc “ngắt quãng V.League vì giải trẻ”. Qua trao đổi giữa VPF với các CLB trên tinh thần xây dựng, trong mùa giải 2024 - 2025, V.League có 5 quãng phải dừng cho ĐTQG và từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 dành cho AFF Cup” - ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, cho biết.

VAR ở Việt Nam đang trong thời gian 3 năm dưới sự giám sát của FIFA.Bên cạnh lịch thi đấu, công tác trọng tài tiếp tục nhận được không ít lời phàn nàn. Sự hiện diện của VAR chưa thể là phép màu để xóa tan vấn đề gây tranh cãi lớn nhất tại V.League. Nhưng rõ ràng VAR vẫn là giải pháp tất yếu và hợp thời đại. Sau rất nhiều trận đấu, các HLV đều tiếc nuối vì trận đấu không có VAR. Vậy khi nào thì VAR sẽ hiện diện nhiều hơn ở mỗi vòng đấu, thay vì chỉ tối đa 3 trận như hiện nay? Mùa giải 2023-2024, các trận đấu từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc được áp dụng VAR do hiện chỉ có 2 xe VAR. Qua đánh giá, VAR đã hỗ trợ trọng tài rất nhiều. Với các trận đấu ở miền Trung hay miền Nam mà có ảnh hưởng đến suất lên xuống hạng, hay là tranh chức vô địch, chúng tôi có giải pháp mời trọng tài quốc tế tham gia điều hành. Và trong kế hoạch mùa giải 2024 - 2025 với sự hỗ trợ của FIFA sẽ có thêm 2 xe VAR, chúng tôi tính toán để áp dụng đủ 7 trận có VAR trong một vòng đấu” - Trưởng ban tổ chức Nguyễn Minh Ngọc nêu rõ.

Về phía Ban trọng tài VFF, Trưởng ban Đặng Thanh Hạ bày tỏ: “Về mặt phương tiện kỹ thuật, với 4 xe VAR, chúng ta có thể áp một tuần 7 trận đấu, tuy nhiên về con người, cụ thể là các kỹ thuật viên điều hành máy móc trong xe VAR đó, đặc biệt là trọng tài VAR, chúng ta chưa đáp ứng được. VAR ở Việt Nam là VAR ở mức cơ bản có 8 góc máy quay thì chưa thể nào cho những góc nhìn tốt nhất. Khi VAR không có góc nhìn tốt nhất, quyết định trên sân của trọng tài phải được tôn trọng”.

Quyết định trên sân của trọng tài phải được tôn trọng đi liền với đó công tác trọng tài cũng phải nâng cấp để giải đấu chuyên nghiệp hơn, thay vì đang bị méo mó bởi các văn bản đóng dấu đỏ từ phía CLB, thẳng thừng đề nghị không bố trí trọng tài A, trọng tài B nào đó điều hành trận đấu có sự góp mặt của CLB này./.

VAR ở Việt Nam đang trong thời gian 3 năm dưới sự giám sát của FIFA. Hằng ngày tôi đều làm việc với BTC, Ban trọng tài, toàn bộ ê-kíp vận hành kỹ thuật, sau đó rút kinh nghiệm những điều mà từ phía FIFA khuyến cáo, để sau 3 năm chúng ta có thể được đánh giá là có kinh nghiệm, để tự vận hành. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu một số công nghệ mới trên thế giới để kết hợp với VAR, cũng như thường xuyên trao đổi với các VAR manager của các nước để học hỏi” - chị Nguyễn Minh Thuý, Giám đốc dự án VAR, Công ty Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận