Đoàn thể thao Người tị nạn (ROT) lần đầu xuất hiện ở Thế vận hội vào năm 2016, tại Rio de Janeiro, Brasil. Từ 11 gương mặt khi đó, số lượng VĐV tăng lên 29 người ở Tokyo 2020, đến Paris 2024 là 37 người. Trong danh sách ROT dự Paris 2024, điền kinh có số lượng VĐV đông nhất, với 8 người, đội judo 6 người, taekwondo 5 người, chèo thuyền 4 người… VĐV là người Iran chiếm số lượng lớn nhất, 14 người, Afghanistan và Syria đều có 5 người.
Mohammad Alsalami, VĐV nhảy xa 29 tuổi người Syria, là đại diện tiêu biểu trong Đoàn ROT tại Thế vận hội năm nay. Trước khi đến Paris, Alsalami trải qua hành trình gian khó, từ Aleppo đến Berlin. Khi Alsalami thực hiện cú nhảy đầu tiên tại Stade de France, tâm trí của anh quay trở lại với thời thơ ấu tại quê nhà Syria đầy mưa bom bão đạn, hay thời điểm anh và nhiều người phải bước xuống con xuồng cao su giữa Địa Trung Hải mênh mông mà không biết có thể sống đến bờ bên kia hay không. “Tôi muốn chứng minh, tôi không chỉ ở Paris vì là người tị nạn, mà vì xứng đáng xuất hiện ở đây với tư cách là một VĐV có năng lực. Tôi muốn chơi nhảy xa lâu nhất có thể. Có một cảm giác tôi chỉ có thể có được ở trong thể thao - cảm giác còn sống. Tôi là một người tị nạn xa quê, nhưng tôi đang làm điều tôi yêu thích. Syria là nhà của tôi, tôi nhớ nơi đó mỗi ngày” - Alsalami cho biết.
Một giáo viên trong trường đã phát hiện ra năng lực điền kinh của Alsalami năm anh 15 tuổi và khuyến khích anh tham gia các cuộc thi địa phương và quốc gia. Nhưng khi nội chiến xảy ra năm 2011, anh không còn được tập luyện và thi đấu nữa. Gia đình Alsalami, với 8 anh chị em khác cùng bố mẹ, nhiều lần phải di dời trong lãnh thổ của Syria, trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, rồi Alsalami quyết định đến nước Đức. Gần 1 thập kỷ sau, anh được cấp quy chế tị nạn và định cư tại Berlin, học tiếng Đức. Anh lên mạng tìm kiếm các SVĐ, phòng tập với hy vọng trở lại với điền kinh. Tài năng đưa Alsalami trở thành một trong những VĐV nhảy xa hàng đầu châu Á, trong đó thành tích cá nhân tốt nhất là 7 mét 88, từng giành HCB Giải vô địch châu Á 2014.
Trong Đoàn thể thao ROT còn có gương mặt nổi tiếng khác là Luna Solomon - xạ thủ 28 tuổi, người Eritrea. Olympic Tokyo của 3 năm về trước, Luna Solomon đại diện cho hàng triệu người tị nạn trên toàn cầu tranh tài ở môn bắn súng. Để đến Nhật Bản, cô gái sinh năm 1996 từng suýt phải đánh đổi cả mạng sống trên hành trình cùng dòng người tị nạn khác chạy trốn khỏi quê hương Eritrea đến với Thụy Sĩ. Tìm được một nơi an toàn tại Thụy Sĩ, Luna Solomon gặp Niccolo Campriani, nhà vô địch bắn súng Olympic người Italia. Từ đây, Luna Solomon được vị HLV người Italia hướng dẫn tập luyện môn bắn súng. “Khi đến Thụy Sĩ tập luyện và thi đấu, tôi được gặp nhiều người, đi nhiều nơi thi đấu và từ đó tiếp thêm cho tôi sự tự tin trong cuộc sống. Tôi tự nhủ, những người tị nạn như chúng tôi cũng có quyền tham gia Olympic. Người tị nạn cũng giống như bao người khác, có quyền được sống, được tham gia và thỏa mãn niềm đam mê thể thao và được tranh tài tại các sự kiện thể thao lớn của thế giới” - Luna Solomon chia sẻ.
Từ Tokyo 2020 đến Paris 2024, nữ xạ thủ sinh năm 1996 vẫn tiếp tục trở thành hình mẫu cho những người đã, đang và sắp rơi vào hoàn cảnh chạy trốn khỏi chiến tranh. “Ở Paris, tôi muốn trở thành tấm gương cho những người tị nạn, để truyền tải thông điệp về lòng dũng cảm. Các bạn phải kiên nhẫn và can đảm. Hãy theo đuổi ước mơ của bạn và đừng bao giờ nói: Tôi không thể làm được. Nếu bạn suy nghĩ tích cực và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ luôn thành công”.
Chỉ có 3 màu huy chương được trao tại mỗi nội dung thi đấu của Olympic. Song với những VĐV như Solomon hay Alsalami, họ đã được trao bộ huy chương đặc biệt mang tên huy chương không màu. Các VĐV tị nạn có mặt tại các sự kiện thể thao tầm cỡ như Olympic, đã là một chiến thắng./.