Nhìn nhận đúng đắn về sức khỏe cầu thủ

CLB Hoàng Anh Gia Lai trang bị một hệ thống theo dõi và phân tích hiệu suất cầu thủ thông qua công nghệ GPS để đánh giá chính xác tình trạng thể lực của cẩu thủ

 

Thành tích bất bại tại 5 vòng đấu V.League 2024/2025 vừa qua (thắng 2, hòa 3 trận, hiện xếp thứ ba trên bảng xếp hạng) của đội bóng phố Núi được Ban huấn luyện CLB Hoàng Anh Gia Lai lý giải: Do đội nhà ứng dụng những công nghệ hiện đại của khoa học vào thể thao.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hãy nhắc lại một chuyển động đáng nhớ tại vòng 10 V. League 2019. Ở trận thư hùng trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội FC 3-2 SHB Đà Nẵng) năm ấy, bên phía đội khách có sự hiện diện của “thương binh” Hà Đức Chinh.

Trước đó, Hà Đức Chinh dính chấn thương khá nặng và dai dẳng từ vòng loại U23 châu Á 2018. Theo đánh giá của nhân viên y tế, với những kẻ theo nghiệp quần đùi áo số, chấn thương ở cổ chân (như của Hà Đức Chinh) được xem là rất nghiêm trọng, cần phải nghỉ ngơi, điều trị đến khi khỏi hẳn. Vì lẽ đó, suốt 9 vòng đấu, Đức Chinh chỉ thi đấu cầm chừng. Ấy thế nhưng, ở trận cầu tâm điểm tại vòng 10, do lực lượng SHB Đà Nẵng bị thiếu hụt nghiêm trọng nên HLV Lê Huỳnh Đức buộc phải sử dụng “thương binh” này cùng lời giải thích: Tiền đạo SHB Đà Nẵng đã nói dối Ban huấn luyện về tình trạng sức khỏe để được ra sân.

Theo nhận định của các chuyên gia: Sử dụng Đức Chinh là rất mạo hiểm bởi ở sân chơi mà bạo lực đã trở thành thương hiệu như V.League thì một va chạm cũng có thể khiến tiền đạo này đi tong nghiệp cầu thủ. Nói cách khác, quyết định thi đấu của Hà Đức Chinh không thể là giải pháp đúng đắn dưới cả hai khía cạnh: Cầu thủ (giấu chấn thương để được thi đấu) và Ban huấn luyện (khủng hoảng tiền đạo nên buộc phải tung “thương binh” vào thảm cỏ).

Quan trọng hơn, đấy dường như không chỉ dừng ở góc độ sai lầm trong hành động mà còn biểu thị cho hạn chế trong tư duy. Khát khao chơi bóng là điều kiện tiên quyết, chủ đạo với một cầu thủ nhưng khi quyết định gắn bó lâu dài với quả bóng tròn, họ cần biết quý trọng và học cách quý trọng đôi chân. Tương tự như vậy, các huấn luyện viên cũng không thể vin vào lý do “lực lượng để bao biện cho việc sử dụng học trò mà không nghĩ đến hậu quả.

CLB Hoàng Anh Gia Lai đã trang bị một hệ thống theo dõi và phân tích hiệu suất cầu thủ thông qua công nghệ GPS.Trở lại câu chuyện CLB Hoàng Anh Gia Lai đưa những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật vào sân cỏ, mà cụ thể là để theo dõi sức khỏe cầu thủ. Có thể nhận thấy, nhờ đó mà cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai đã có những cải thiện đáng kể về thể lực, thể trạng. Họ liên tục di chuyển với cường độ cao trong suốt trận đấu và gần như không thua kém trong các pha tranh chấp tay đôi. Đáng kể hơn, cuộc cách mạng sử dụng nguồn nhân lực (chữ dùng của Giám đốc kỹ thuật CLB Hoàng Anh Gia Lai - Vũ Tiến Thành) còn được tiến hành khá toàn diện ở phố Núi khi vào vận hành một loạt các phòng chức năng: y học thể thao, khoa học thể thao, phân tích chiến thuật…

Quan trọng hơn, sự chuyên nghiệp trong công tác chuẩn bị, thăm khám sức khỏe này còn biểu thị cho một bước chuyển khác, rất cần thiết đối với các đội bóng ở xứ ta; đó chính là sự đổi thay trong tư duy, cách nhìn nhận về sức khỏe và các yếu tố đảm bảo thi đấu cho cầu thủ. Từ chuyện SHB Đà Nẵng nhắm mắt làm ngơ trước chấn thương của Hà Đức Chinh (việc sử dụng khi đang chấn thương có thể khiến Chinh đứt cả sự nghiệp, chưa kể chi phí chữa trị, đền bù hợp đồng nếu anh này buộc phải chia tay sân cỏ) nửa thập kỷ trước đến việc Hoàng Anh Gia Lai chăm sóc cầu thủ đến tận răng thời điểm hiện tại; rõ ràng đội bóng đóng đại bản doanh tại cao nguyên Pleiku đã rất thấm thía bài học cần thiết và bổ ích về việc dùng cầu thủ; đó là không thể sử dụng theo kiểu chộp giật, bất chấp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận