Nhưng mặt kia đã cho thấy một HAGL rất khác so với quá khứ khi các cầu thủ liên tục câu giờ và tìm cách trì hoãn trận đấu, đặc biệt là ở những phút cuối trận.
Điều gì tạo nên thương hiệu của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)? Chỉ cần có chút am tường về túc cầu giáo nước nhà, khán giả sẽ dễ dàng tìm ra cho mình đáp án. Đó chính là sự quyết tâm, lối chơi lăn xả cùng triết lý bóng đá duy mỹ từ lâu đã giúp tập thể này chiếm trọn tình yêu của người hâm mộ.
Lấy mùa giải 2015 làm điểm quan sát. Đó là thời điểm mà HAGL được nhận định là thỏi nam châm hút khách, đi đến đâu “cháy” vé đến đó. Thậm chí, trước trận FLC Thanh Hóa - HAGL, dẫu HAGL đang tuột dốc không phanh trên bảng xếp hạng (10 trận liên tiếp không biết mùi thắng), người hâm mộ vẫn ùn ùn đổ về địa chỉ 37 Lê Quý Đôn - thành phố Thanh Hóa. Độ nóng của trận thư hùng đã đẩy giá vé chợ đen lên đến đỉnh điểm. Không ít tấm vé được dân phe vé chèo kéo cao gấp bốn lần giá gốc.
“Cháy” vé mỗi bận HAGL thi đấu có thể giống về hiện tượng nhưng hoàn toàn khác về bản chất nếu so với các khán đài chật cứng của sân Cẩm Phả (Thanh Quảng Ninh), sân Vinh (Sông Lam Nghệ An) hay sân Thanh Hóa, sân Hải Phòng. Việc các đội bóng này có lượng khán giả đông phần nhiều là do yếu tố bản địa, hay truyền thống yêu thể thao của mỗi địa phương. Chỉ duy nhất HAGL làm được điều mà cả làng túc cầu giáo không thực hiện nổi: Thu hút khán giả đối phương.
Không khó để nhận thấy, HAGL đã liên tục theo đuổi triết lý bóng đá cống hiến: Đá hết mình, không toan tính hay nói cách khác, đấy là thứ bóng đá hồn nhiên; tới mức không ít trận đấu, dù bị dẫn trước tới vài bàn cách biệt trong bối cảnh kim đồng hồ đã chỉ về những phút cuối cùng nhưng thay vì chấp nhận giương cờ trắng như đa số đội bóng ở ta vẫn làm thì họ vẫn không ngừng đuổi theo trái bóng và chỉ chịu dừng lại khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu. Sự hồn nhiên ấy còn biểu hiện bằng hình ảnh cầu thủ HAGL dù bị đối thủ phạm lỗi mười mươi nhưng vẫn gượng đứng dậy tranh cướp bóng. Nó hoàn toàn khác với thứ bóng đá toan tính hiện đại mà chúng ta vẫn gọi là câu giờ, ăn vạ kiếm phạt đền, buông trận này để dồn sức cho trận đấu sau…
Ấy thế nhưng, đó dường như chỉ là chuyện ở… thì quá khứ!
Chẳng phải thế sao khi ở trận đấu HAGL - Công an Hà Nội mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết, khán giả dường như chỉ được xem bóng đá trong khoảng chừng… 30 phút. Kể từ sau bàn thắng của Châu Ngọc Quang ở phút 25, trận đấu không ngừng bị ngắt quãng bởi các pha câu giờ. Đặc biệt là cả hiệp hai, có cảm giác chỉ cần một va chạm khẽ, cầu thủ HAGL cũng có thể đổ vật xuống thảm cỏ. Việc trận đấu bị băm nát bởi các pha bóng tiểu xảo khiến trọng tài Mai Xuân Hùng phải bù giờ tới 12 phút - một chỉ số rất không bình thường khi mà trận đấu không mang ý nghĩa tồn vong - quyết định tới ngôi vương hay suất xuống hạng của mùa giải.
Phải chăng, sau nhiều mùa khát huy chương, Ban lãnh đạo đội bóng này đã chú trọng nhiều hơn vào thành tích thay vì tạo dựng một thương hiệu bóng đá đẹp. Hay phải chăng môi trường V.League với những toan tính vốn có đã khiến những cái đầu ngây thơ, trong sáng bị vấy bẩn?
Chắc chắn rằng, để xây nên hình ảnh CLB, ông bầu Đoàn Nguyên Đức chưa bao giờ dám buông lỏng công tác giáo dục, làm tư tưởng cho cầu thủ. Tương tự như vậy, “đám trẻ” nhà bầu Đức từng phải đứng vững qua hàng chục trận đấu để tạc vào lòng người hâm mộ hình ảnh lứa cầu thủ chơi bóng bất vụ lợi.
Cổ nhân có câu “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Xây nên một hình ảnh đẹp đã khó nhưng để giữ nó xem ra còn khó gấp bội/