Ở sân cỏ, các HLV cũng được giới quần đùi áo số kính trọng gọi là thầy.
Trên nhiều phương diện, mối quan hệ thầy - trò trên sân cỏ (HLV - cầu thủ) chủ yếu chỉ mang tính thời vụ và không hề dạy chữ nhưng như đã nói, người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo nên dẫu là thầy dạy... sút bóng cũng rất xứng đáng được tôn trọng. Ở góc độ khác, việc cầu thủ sau khi giải nghệ chuyển sang làm công tác huấn luyện vốn dĩ không hiếm. Đây còn là “lối thoát” lý tưởng cho những ai theo nghiệp quả bóng tròn sau khi giải nghệ. Những Triệu Quang Hà, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thắng rồi Như Thuật, Huỳnh Đức và gần đây là Anh Đức, Văn Quyến, Tài Em, Minh Phương,… sau khi treo giày đều bén duyên với nghiệp cầm đũa chỉ đạo.
Tuy nhiên, từ danh xưng huấn luyện viên đến tôn xưng thầy là khoảng cách không dễ chinh phục bởi bên cạnh điều kiện cần là năng lực, mỗi HLV còn phải đáp ứng điều kiện đủ là sự chỉn chu, mực thước trong sinh hoạt, đối nhân xử thế; là tấm gương sáng cho cầu thủ và cả ban huấn luyện. Dẫu đạo đức HLV là khái niệm không thể định lượng, nhưng chẳng dễ để giới mộ điệu túc cầu giáo gọi ai đó tiếng thầy.
Lấy cậu bé vàng với cái kèo trái trứ danh Phạm Văn Quyến làm điểm quan sát. Tài năng của tiền đạo người Nghệ An này là không phải bàn cãi, song điểm đen trong lý lịch gắn với màn bán độ động trời tại SEA Games 2005 đến này vẫn là chủ đề được không ít khán giả nhắc đến sau những cuộc trà dư tửu hậu. Sai lầm của tuổi trẻ đã phải trả giá. Văn Quyến sau khi giã từ nghiệp cầu thủ đã trang bị cho mình một số chứng chỉ cần thiết để chuyển sang làm công tác huấn luyện, nhưng với quá khứ ấy dẫu Quyến có trở thành một nhà cầm quân danh tiếng thì cũng khó thuyết phục được người hâm mộ cũng như cầu thủ thốt lên hai tiếng thầy Quyến.
Một dẫn chứng khác là tại vòng 6 giải hạng Nhất Quốc gia năm 2020, trong trận đấu giữa hai CLB: Phố Hiến và An Giang. Khi trận đấu đã trôi sang những phút bù giờ, lúc này An Giang đang bị dẫn 1-2 và được hưởng quả ném biên, cầu thủ Võ Văn Huy (An Giang) chuẩn bị ném bóng thì có một quả bóng khác xuất hiện. “Tiện chân”, Huy sút bóng thẳng vào cabin ban huấn luyện đối phương, bóng đập trúng vào trợ lý Lê Phước Tứ - thầy giáo cũ của Văn Huy khi còn ăn tập tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF. Trước hành động hỗn láo của học trò, HLV trưởng CLB Phố Hiến, đồng thời cũng từng là thầy giáo của Huy tại PVF là Hứa Hiền Vinh đã không thể kìm nén cơn giận. Ông Vinh lao vào sân, bóp cổ Văn Huy để… dạy dỗ. Kết cục là thầy trò - mỗi người phải lĩnh một thẻ vàng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyện thầy - trò ở V.League muôn hình vạn trạng. Báo chí, người hâm mộ có thể gọi nhà cầm quân này hay huấn luyện viên kia là ông thầy như một cụm từ thay thế cho đa dạng cách thức thể hiện ngôn ngữ, nhưng trong lịch sử bóng đá mới chỉ có hai chiến lược gia được gọi bằng danh xưng mến trọng là “thầy Tô” (HLV Henrique Calisto) và “thầy Park” (HLV Park Hang-seo).
Còn để một nhà cầm quân nội được gọi thầy thì khó hơn hái sao trên trời. Dẫu chúng ta có không ít thầy nội thành danh trên sân cỏ.
Nói cách khác, họ phải nỗ lực rất nhiều để chữ thầy trở thành một danh từ riêng