8 nội dung ấy gồm: nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, 5.000m nam - nữ, 10.000m nam - nữ, đi bộ nam - nữ. Tuy nhiên, trước nhiều phản ứng, mới đây “người Phi” đã đồng ý tiếp tục tổ chức 6/8 nội dung nói trên (chỉ loại nhảy xa nữ và nhảy cao nữ).
Lịch sử các kỳ SEA Games những năm qua cho thấy, nguyên nhân chủ đạo khiến các nội dung thi đấu liên tục bị điều chỉnh, không gì khác ngoài căn “bệnh thành tích”, có thể nói là đã “hết thuốc chữa” của các liên đoàn thể thao khu vực. Để “vơ vét” huy chương, song song với việc đưa các “môn tủ” của nước chủ nhà (nhưng trên bình diện châu lục có thể hoàn toàn xa lạ), người ta không ngần ngại hạn chế, thậm chí là loại khỏi danh sách những nội dung thế mạnh của các quốc gia khác. Đơn cử như Bóng đá nữ - từng bị loại khỏi SEA Games 2011 và 2017 do đội tuyển của hai nước chủ nhà Indonesia và Singapore quá yếu so với mặt bằng chung.
Nhìn nhận một cách khách quan, “tiểu xảo” này chẳng của riêng ai. Ở kỳ Đại hội cách đây 16 năm, trong tư thế quốc gia tổ chức, chúng ta cũng sử dụng không ít “chiêu trò” để “tận thu” huy chương. Vì lẽ đó, khi không còn “quyền chủ nhà”, Đoàn Việt Nam cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn khen ngọt”.
Tuy nhiên, dường như công tác chuẩn bị của chủ nhà Philippines đã đi quá giới hạn cho phép khiến Liên đoàn điền kinh châu Á (AAA) cũng cảm thấy… chướng tai gai mắt. Không chấp nhận thực tế là nhảy xa nữ - một nội dung thi đấu chính thức của ASIAD 2018 bị loại khỏi SEA Games 30 - nên AAA đã có văn bản khuyến cáo Ban Tổ chức về việc cần thiết bổ sung đầy đủ các nội dung theo thông lệ. Trước sức ép ấy, chủ nhà Philippines buộc phải có những điều chỉnh như đã đề cập.
Song, những bi sắt, pencak silat không có được “may mắn” như điền kinh. Nếu như 4 năm trước, bi sắt từng xuất hiện ở sân chơi khu vực với 7 nội dung thi đấu. SEA Games 29 (Malaysia là chủ nhà) còn được xem là thời điểm “lạm phát” bi sắt khi có tới 11 bộ huy chương được trao; thì năm nay, do 2 nội dung này rất kém phát triển ở Philippines nên Ban tổ chức đã “dẹp” rất nhiều bộ Huy chương ở hình thức thi đấu pencak silat đối kháng, đồng thời giới hạn môn bi sắt xuống còn 4 nội dung.
Diễn biến ấy khiến các chuyên gia đều có chung nhận định: Từ nay đến thời điểm chính thức khởi tranh SEA Games 30, chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều kiến nghị, thậm chí là “tranh cãi nảy lửa” giữa các liên đoàn thành viên về việc mở rộng - thu hẹp, bổ sung - loại bỏ các nội dung còn lại.
Với hạn chế “cũ rích” này, chẳng biết đến bao giờ thể thao Đông Nam Á mới tìm được tiếng nói chung trong việc ấn định các môn cũng như nội dung thi đấu của SEA Games?
Bởi khi và chỉ khi có một “bộ khung ổn định” thì nền thể thao của một quốc gia mới đoạn tuyệt được tư duy “ăn xổi”!