'Bắt bệnh' cho sân cỏ Việt!

Thất bại 1-2 của U18 Việt Nam trước 'đàn em' U18 Campuchia trong khuôn khổ vòng bảng giải U18 Đông Nam Á 2019 để lại cho người hâm mộ những 'dư chấn" nặng nề.

 

Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó thì thất bại này xem ra lại rất cần thiết bởi từ đó, các quan chức bóng đá nước nhà sẽ có cái nhìn nghiêm túc hơn về đào tạo trẻ.

Cần phải nhắc lại một chuyển động ngay sau “kỳ tích Thường Châu” hơn một năm về trước. Chỉ vài ngày sau khi U23 Việt Nam giành tấm Huy chương bạc tại giải U23 châu Á 2018 (tổ chức tại Thường Châu - Trung Quốc), trên một tờ báo nọ, huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo đã không ngừng nhắc nhở, đại ý: Đó chỉ là thành tích mang tính thời điểm, được tạo bởi một “thế hệ vàng” chứ không thể xem đó là biểu hiện cho đẳng cấp của túc cầu giáo nước nhà.

Vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã sớm nhận thấy lỗ hổng trong đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam nên trong những lần tập trung gần đây, ông Park Hang Seo đều tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được thể hiện. Điển hình như đợt hội quân cách đây hơn 1 tháng (từ ngày mùng 7 -11/7/2019), 18 gương mặt được “thầy Park” triệu tập hầu hết đều đang chơi giải hạng Nhất (thậm chí là hạng Nhì) Quốc gia. Theo quan điểm của HLV Park Hang Seo, chỉ có phát triển sân chơi dành cho cầu thủ trẻ mới có thể giúp bóng đá nước nhà giữ vững vị thế trên đấu trường châu lục.

Thật vậy, ngoại trừ thành công mà lứa Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng mang lại, vài ba năm trở lại đây, trên bình diện khu vực, bóng đá trẻ Việt Nam thất bại nhiều hơn chiến thắng. Một năm trước, các học trò của HLV Vũ Hồng Việt đã không vượt qua vòng bảng Giải U.16 Đông Nam Á 2018 chỉ với 1 điểm sau 3 trận. Đây có thể xem là bước thụt lùi đáng kể bởi trước đó 2 năm, U16 Việt Nam đã lọt vào tứ kết Giải U16 châu Á 2016. Còn với lứa U18, không chỉ giải năm nay mà liên tiếp hai giải đấu trước (các năm 2017 và 2018), đội tuyển của chúng ta đều không thể giành tấm vé vào vòng loại trực tiếp.

Thất bại 1-2 của U18 Việt Nam trước “đàn em” U18 Campuchia trong khuôn khổ vòng bảng giải U18 Đông Nam Á 2019 vẫn để lại cho người hâm mộ cả nước những “dư chấn” rất nặng nề.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là lâu nay, chúng ta rất thờ ơ với bóng đá trẻ. Chuyện một đội bóng chuyên nghiệp nhưng sẵn sàng nộp phạt vài trăm triệu để không tham gia hoặc “mượn” các địa phương khác vài gương mặt, lắp ghép cho đủ đội hình để tham gia cho có lệ là điều từng xảy ra ở giải trẻ thường niên các cấp độ.

Ở góc độ khác, theo đánh giá của HLV Nguyễn Văn Dũng (chuyên “làm bóng đá trẻ” ở CLB Nam Định) thì với các “mầm non sân cỏ”, mật độ thi đấu khoảng chục trận đấu chính thức/năm là quá ít.

Vì lẽ đó, thất bại của U18 Việt Nam mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết xem ra không đơn thuần chỉ là thất bại trước một U18 Campuchia thua kém về đẳng cấp mà còn cho thấy nhiều hạn chế trong đào tạo cũng như chiến lược phát triển.

Thậm chí, nếu xét một cách sòng phẳng thì đằng sau lá đơn từ chức của HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn, nhà cầm quân này cần phải được cảm thông và chia sẻ bởi dàn cầu thủ trong tay ông hoàn toàn “lép vế” so với U18 Campuchia về thể lực cũng như kinh nghiệm thi đấu ở một đấu trường khắc nghiệt. Không có “bột” thì rất khó “gột nên hồ”!

Hy vọng là từ thất bại của U18 Việt Nam, công tác đào tạo trẻ - khái niệm mà các chuyên gia gọi là “nền móng của Đội tuyển quốc gia” sẽ nhận được sự quan tâm kịp thời và cần thiết./.

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận