Một trong những chuyển động gây tiếng vang lớn ở thành phố Thanh Hóa thời gian qua chính là bản hợp đồng mà Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ ký với vị HLV 47 tuổi người Italia Fabio Lopez. Nhà cầm quân này khá nổi tiếng ở cựu lục địa khi từng là thủ môn của đội trẻ AS Roma cùng nhiều năm làm tuyển trạch viên cho đội bóng lừng danh xứ mỳ ống.
Trước khi mời nhà cầm quân người Italia về xứ Thanh, bầu Đệ đã nhiều lần vướng vào những “lùm xùm” với các ông thầy nội. Nửa thập kỷ trước, Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước cú đào tẩu về sân Cần Thơ năm 2015 bởi HLV Vũ Quang Bảo; còn trong ngày chia tay đội bóng quê hương (mùa bóng 2013), vị “tướng trẻ” Quang Hà đã thông qua báo giới, chuyển đến bầu Đệ “lời nhắn”: Lãnh đạo câu lạc bộ (CLB) còn nợ tôi một lời giải thích!
Mùa bóng năm ngoái, bầu Đệ tiếp quản CLB từ người tiền nhiệm Doãn Văn Phương trong bối cảnh nội tình CLB có không ít dấu hiệu rạn nứt, lòng người ly tán. Trong nỗ lực vực dậy đội nhà, ông bầu họ Nguyễn đã có một quyết sách khá táo bạo khi đôn một loạt cầu thủ trẻ lên đội 1 nhằm tăng cường “chất Thanh Hóa”. Tuy nhiên, HLV trưởng CLB Thanh Hóa lúc ấy là Nguyễn Đức Thắng cương quyết “nói không”, đồng thời yêu cầu lãnh đạo ký hợp đồng với 4 nhân tố trẻ là “con nhang, đệ tử” của chính cựu cầu thủ Thể Công. Đề nghị không được chấp thuận, Đức Thắng lập tức đệ đơn từ chức. Bầu Đệ cực chẳng đã, đành chỉ định HLV trưởng U17 Thanh Hóa là Mai Xuân Hợp “nhiếp chính” và hệ quả là đội bóng bên bờ sông Mã “tuột dốc không phanh” - chỉ có thể trụ lại giải chuyên nghiệp sau chiến thắng tối thiểu trước CLB Phố Hiến trong trận play-off.
Ai đúng, ai sai, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những sự đổ vỡ ấy là gì… thì chỉ những người trong cuộc mới tỏ tường. Song, giữa thời điểm có không ít HLV nội đang “ngồi chơi xơi nước” (trong số này có vài ba chiến lược gia từng vô địch V.League như Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Văn Phúc…), mà lãnh đạo CLB Bóng đá Thanh Hóa vẫn chấp nhận tốn kém để mời về một HLV ngoại. Điều này khiến người hâm mộ có cảm giác là dường như bầu Đệ đã “ngán” những ông thầy nội lắm “chiêu trò” đến… tận cổ?
Cảm giác này không phải không có cơ sở bởi lịch sử giải chuyên nghiệp gần 2 thập kỷ qua đã chứng minh: Về thành tích, các ông thầy nội hoàn toàn vượt trội các đồng nghiệp ngoại quốc nhưng họ hay yêu sách và có vô vàn chuyện “khó nói” phía sau hậu trường./.