Trong số này có những đội bóng thực sự rất mạnh, cả về lực lượng cũng như tiềm lực tài chính hay sự chống lưng từ các nhà tài trợ.
Trước hết, phải kể đến đội bóng đóng đại bản doanh tại phố núi Pleiku. Như khẳng định của ông bầu đoàn Nguyên Đức thì lực lượng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đa phần là tuyển thủ quốc gia các lứa tuổi, trên lý thuyết chỉ cần tăng cường ngoại binh đẳng cấp là có thể cạnh tranh với cả làng cầu nhưng chức vô địch đối với họ là không thể bởi: “Một “thằng” đá cố sống chết cùng không thể đấu lại khi bốn, năm “thằng” bắt tay nhau”.
Không khó lý giải tâm lý “buông xuôi”, thấy “sức mình có hạn” trong phát biểu của cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Nghi án “một ông chủ nhiều đội bóng” mà bầu Đức từng hơn một lần công khai chỉ trích trước truyền thông (đại ý: mối quan hệ “tay năm” giữa Hà Nội FC, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam FC, Sài Gòn FC, Than Quảng Ninh) đã và đang thao túng V.League, sẵn sàng “thỏa thuận ngầm”, “dìm chết” bất cứ một đội bóng nào đủ tiềm lực và công khai tham vọng xưng “vương”. Dĩ nhiên, ông Đức thiếu cái gọi là “bằng chứng” theo kiểu “bắt tận tay, day tận trán” song diễn biến sân cỏ nhiều năm qua cho thấy, dẫu FLC Thanh Hóa quân tinh tướng giỏi ở V.League 2018 hay đội Thành phố Hồ Chí Minh liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng ở mùa giải 2019 thì họ cũng đều ngậm ngùi nhìn đội chủ sân Hàng Đẫy đăng quang khi tấm màn nhung V.League khép lại.
Dĩ nhiên, ai đó có thể phản biện lại bằng câu chuyện của B.Bình Dương nửa thập kỷ trước. Thời điểm ấy, nghi án về một “liên minh ngầm” đã xuất hiện nhưng với sự vượt trội về đẳng cấp, đội bóng đất Thủ Dầu Một vẫn oanh liệt vô địch hai mùa giải liên tiếp (2014 và 2015). Ấy thế nhưng, như phân tích của các chuyên gia, để một tập thể tái lập kỳ tích này, ngoài “điều kiện cần” là lực lượng nội binh thiện chiến, đẳng cấp cầu thủ ngoại còn cần thêm nhiều “điều kiện đủ” khác như lối chơi phù hợp, sự song hành của yếu tố may mắn, tài chính dồi dào… - quá nhiều thách thức cho những ai muốn nâng Cúp cuối mùa.
Ý thức được điều này nên huấn luyện viên trưởng CLB Thành phố Hồ Chí Minh là nhà cầm quân người Hàn Quốc Chung Hae Soung cũng chỉ… cười trừ, bất chấp thực tế là sau một “phiên chợ” sôi động, sân Thống Nhất hiện đang sở hữu hàng loạt hảo thủ như tiền đạo Nguyễn Công Phượng, Võ Huy Toàn, Diakite, Viktor Prodell… Tương tự như vậy, sau một mùa bóng làm quen với bầu không khí chuyên nghiệp, CLB Viettel cũng rất tích cực bổ sung lực lượng nhưng mục tiêu cuối cùng của họ vẫn chỉ là “cố gắng hết sức để giành vị trí tốt nhất”.
Điều này cho thấy, sự “khiêm tốn” của hàng loạt ứng cử viên chưa hẳn đã là bằng chứng về một V.League kém ganh đua. Chúng tôi cho rằng những HAGL, TP. Hồ Chí Minh (có thể kể thêm vài đội bóng khác) không thiếu tham vọng, tiềm lực kinh tế… nhưng thứ họ cần và phần nào mất niềm tin là sự sòng phẳng, minh bạch ở một giải đấu được gọi là “chuyên nghiệp” đã qua 20 mùa bóng.
Xưa nay “không ai đánh thuế giấc mơ” nhưng mơ mộng mà thiếu thực tế thì lại là mơ hão nên nhiều ứng cử viên cho chức vô địch đã không dám… mơ!
Điều chỉnh lịch thi đấu các giải quốc nội
Để đảm bảo và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona, lịch thi đấu các giải bóng đá quốc gia sẽ được điều chỉnh. Theo đó, V.League, Giải hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia 2020 sẽ khai mạc lần lượt vào các ngày 29/2, 14/3 và 23/3.
Trong trường hợp dịch bệnh chưa được khống chế, lịch thi đấu các giải tiếp tục lùi lại, lần lượt là V.League: ngày mồng 7/3, Giải hạng Nhất: ngày 14/3 và Cúp quốc gia: ngày 3/4/2020.
|