2 đội tuyển tuyển này gặp nhau quyết định vị trí dẫn đầu trong khuôn khổ vòng loại môn bóng đá nữ Olympic 2020. Mặc dù đây là chuyện của “thiên hạ” nhưng lại thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả cả nước bởi đối thủ của thầy trò HLV Mai Đức Chung tại lượt trận play-off chính là 1 trong 2 đội bóng này.
Thách thức lớn
Hiện tại, 2 đội bóng dẫn đầu bảng B đang cùng có 6 điểm (toàn thắng sau 2 lượt trận) nhưng Australia nhỉnh hơn về hiệu số (+13) so với Trung Quốc (+10). Với cục diện này, nhiều khả năng, đối thủ tiếp theo của ĐT nữ Việt Nam sẽ là ĐT nữ Australia nếu như họ giành được tối thiểu 1 điểm trong trận đấu chiều ngày 13/2.
Một thực tế ai cũng nhận thấy là bất luận đối thủ của chúng ta là Australia hay Trung Quốc thì đấy vẫn là những “khúc xương” rất khó “nhằn”. Trên bình diện châu lục, cả Australia và Trung Quốc đều xứng đáng với danh hiệu “đại tỷ”.
Nửa thập kỷ trước, ở vòng loại cuối cùng của Olympic 2016, mặc dù nằm chung bảng đấu với đương kim Á quân World Cup 2015 đồng thời là nhà vô địch châu Á 2014 Nhật Bản nhưng cả Australia và Trung Quốc đã tạo nên những cú sốc cực lớn khi lần lượt quật ngã đội bóng xứ Phù Tang. Trong đó, chiến thắng của đội tuyển Australia được ví như một “cơn địa chấn” khi họ có tới ba lần “xé lưới” đối phương ngay trên sân khách (ba cầu thủ ghi bàn cho đội bóng đến từ châu Đại Dương là De Vanna, Heyman và Gorry). Australia và Trung Quốc cũng là 2 gương mặt tiêu biểu của châu Á tại Olympic Rio de Janeiro năm 2016 khi đều xuất sắc giành quyền vào chơi Tứ kết.
Về thành tích đối đầu trực tiếp tại một giải đấu chính thức, gần đây nhất, năm 2016 chúng ta thúc thủ 0-2 khi chạm trán nữ Trung Quốc và thảm bại tới 0-9 trước Australia. “Cứ theo tỉ số mà suy” thì so với Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc đều “không phải dạng vừa” - hai đội này không hề thua kém, nếu không muốn nói là họ còn mạnh hơn hẳn đối thủ vừa “thắng dễ” thầy trò ông Mai Đức Chung ở vòng bảng.
Nhưng không ít hy vọng
Trước hết phải thấy rằng, dù lép vế “toàn tập” trước Hàn Quốc và “thua trắng” tới 3 bàn không gỡ tại lượt trận cuối vòng bảng thứ 3 nhưng đây là thất bại đã nằm trong tính toán của “tướng Chung”. Thua kém về nhân sự cũng như đẳng cấp nên trước giờ bóng lăn, ông Mai Đức Chung đã không ngần ngại đề ra ba mục tiêu cho học trò: Hạn chế bàn thua, không dính chấn thương và không “ăn” thẻ vàng. Trên thực tế, cả ba “mục tiêu” này chúng ta đều đạt được.
Trong cái rủi lại có cái may! Vì đã tiên liệu trước về một thất bại nên ở trận đấu này, nhà cầm quân họ Mai cất hàng loạt trụ cột trên băng ghế dự bị. Nói cách khác, sở trường, sở đoản của đội tuyển vẫn đang được giấu kín và rất có thể, những “quân át chủ bài” đang được “ém kỹ” kia sẽ làm nên chuyện. Bên cạnh đó, một tín hiệu rất đáng mừng là chấn thương của trung vệ Chương Thị Kiều đang phục hồi rất tốt và nhiều khả năng Kiều sẽ góp mặt ở trận play-off, điều này có nghĩa: Sức mạnh của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.
Vòng play-off sẽ tiến hành theo thể thức sân nhà, sân khách. Đây cũng là thuận lợi cho đội tuyển của chúng ta là theo mã trận đấu đã được định sẵn, thầy trò ông Mai Đức Chung sẽ được đá trận lượt về ngày 11/4 trên sân nhà (90 phút lượt đi diễn ra vào ngày 6/3/2020).