Song song với việc chiêu mộ nhiều tân binh: Lê Tấn Tài (từ B.Bình Dương), Lê Mạnh Dũng (từ Sông Lam Nghệ An),… đội bóng vùng “Hồng Lĩnh La giang” còn đặt vấn đề với Sông Lam Nghệ An để… mượn sân Vinh do sân nhà chưa hoàn thiện hệ thống chiếu sáng.
Việc một đội bóng chuyên nghiệp vì… bóng tối nên không thể tận dụng ưu thế sân nhà là chuyện không hiếm ở xứ ta. Theo báo cáo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) năm 2019, có đến 6/14 sân vận động của các CLB tham dự V.League có hệ thống chiếu sáng không đạt chuẩn và điều này đã ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của cầu thủ khi các trận đấu diễn ra vào thời điểm chiều muộn (để tránh nắng).
Thanh minh với báo giới, đại diện của 1 trong 6 đội bóng nói trên cho biết, đại ý: Bởi thiếu kinh phí, quy trình sửa chữa phải qua nhiều khâu, nhiều “cửa” nên chỉ biết động viên cầu thủ “cố căng mắt ra mà nhìn”. Trong lịch sử giải chuyên nghiệp, để khắc phục tình trạng “sống chung với bóng tối”, một số CLB đã đề nghị được đẩy giờ thi đấu lên sớm hơn. Hệ quả là cầu thủ kiệt sức vì cái nắng như thiêu như đốt, còn các khán đài thì “vắng như chùa Bà Đanh” - khán giả thì ngại ra sân cổ vũ vì… “nắng quá”.
Ở phạm vi châu lục, 3 năm trước, sau khi bất ngờ giành “vương miện” V.League 2017 cùng 1 suất tham dự Champion League AFC (giải đấu cao nhất châu Á cấp CLB), do không đáp ứng được những tiêu chí của Ban tổ chức về sân bãi, Quảng Nam FC cũng tính tới phương án… thuê sân Hòa Xuân của SHB. Đà Nẵng làm sân nhà. Tương tự như vậy, ở mùa bóng 2017, cả hai nhà vô địch của sân cỏ quốc nội là Hà Nội FC (vô địch V.League 2016) và Than Quảng Ninh (đăng quang cùng năm ở Cúp Quốc gia) đều phải nhờ cậy Ban quản lý sân Mỹ Đình mỗi lần thi đấu trên sân nhà? Lý do mà Liên đoàn Bóng đá châu Á đưa ra là với CLB Quảng Ninh, trong bán kính 30km quanh sân Cẩm Phả không có sân bay quốc tế; còn trường hợp Hà Nội FC thì sân Hàng Đẫy (cũng như sân Tam Kỳ của Quảng Nam FC) không đáp ứng được những quy định tối thiểu về cơ sở vật chất.
Thực tế ấy khiến người hâm mộ không thể không đặt ra câu hỏi: Trước khi đặt mục tiêu thăng hạng, lãnh đạo CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có nghĩ tới những yêu cầu về cơ sở vật chất hay không? Hay nói cách khác, họ có sẵn sàng tâm thế nếu được quyền tham dự V.League?
Câu trả lời là “có” - bằng chứng là từ nay đến ngày V.League 2020 khai mạc, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vẫn đang gấp rút chạy đua với thời gian để nâng cấp những hạng mục cần thiết. Tuy nhiên, gần như chắc chắn hệ thống chiếu sáng trên sân Hà Tĩnh sẽ không kịp hoàn thiện trước ngày V.League 2020 khai mạc. Điều này có nghĩa, ít nhất trong vài ba vòng đấu đầu tiên, khán giả Hà Tĩnh sẽ phải di chuyển ra Nghệ An nếu muốn mục sở thị đội nhà thi đấu.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyện sân bãi của bóng đá Hà Tĩnh nói riêng, nhiều CLB chuyên nghiệp khác nói chung không đơn thuần chỉ là một hạng mục cần cải tạo mà đằng sau đó còn là tư duy “ăn xổi” kiểu “nước tới đâu bắc cầu tới đó!”. Chẳng phải thế sao khi mà một thập kỷ trước, trước “tối hậu thư” của VFF bắt buộc tất cả đội bóng chuyên nghiệp phải cổ phần hóa trước ngày 31/8/2010, lãnh đạo một CLB đã không ngần ngại khẳng định: Nếu chúng tôi thi đấu hoàn thành mục tiêu trụ hạng mới tìm doanh nghiệp để chuyển giao đội bóng theo đúng quy chế, còn trường hợp lỡ rớt hạng thì sang năm “cổ phần hóa” cũng chưa muộn!
Rõ ràng, những động thái mượn sân để đáp ứng “chuẩn ánh sáng” hay “cổ phần hóa” vài ngày trước khi yêu cầu của Ban tổ chức có hiệu lực chỉ là mang tính đối phó, “lách luật” chứ chưa phản ánh tư duy chuyên nghiệp đúng nghĩa.
Với thực tế ấy, chắc phải còn lâu, lâu lắm các đội bóng tham dự V.League mới chấm dứt được cảnh “sân cỏ đi mượn, dàn đèn đi thuê”!
Thanh Hà