'Trảm' không cần bằng chứng!

VFF đã ban hành những quyết định kỷ luật rất nghiêm khắc liên quan đến những biểu hiện tiêu cực trong trận đấu giữa U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định.

 

Trong trận đấu giữa U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định (bảng C, lượt trận thứ hai vòng loại U19 Quốc gia 2020) diễn ra ngày 5/3/2020 với 2 pha thủng lưới khá “khó hiểu”, tuyển thủ U23 Việt Nam Y Eli Nie của U19 Đắk Lắk bị phạt 5 triệu đồng, đình chỉ thi đấu 2 trận liên tiếp. Bên phần sân đối diện, “đội bóng đất Võ” bị phạt 25 triệu đồng vì dấu hiệu thiếu trung thực. HLV trưởng Cao Văn Dũng bị đình chỉ 2 trận đấu cùng số tiền phạt 5.000.000 đồng vì thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo. 4 cầu thủ: Đào Gia Bảo, Đinh Trường Đệ, Trần Văn Thái và Nguyễn Thế Thịnh cùng bị đình chỉ 4 trận đấu và phải nộp phạt số tiền tương đương.

Cần phải khẳng định ngay rằng, án phạt của VFF là cần thiết và kịp thời, nhất là trong bối cảnh nhiều trận cầu ở quốc nội buộc phải thi đấu trong tình trạng không có khán giả để hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh Co-vid19. Mà như chúng ta đã biết, người hâm mộ - bên cạnh tính chất là đối tượng thưởng ngoạn, còn là những “giám sát tiêu cực” rất đắc lực và hiệu quả cho các nhà làm giải. Hy vọng, bản án nghiêm khắc cùng cách làm việc không nương tay của Ban tổ chức sẽ khiến “ai đó” chột dạ, không dám “làm liều”, nhất là trong bối cảnh sân cỏ cả nước đã và đang “bế quan tỏa cảng” như hiện tại.

Dẫu vậy, vẫn cần nhắc lại chi tiết, nếu so với những phát ngôn của cựu Trưởng ban tổ chức V.League Dương Nghiệp Khôi cách đây hơn nửa thập kỷ thì sự “mạnh tay” của VFF lần này đã thiếu hoàn toàn cái gọi là “bằng chứng”. Ngày ấy, mỗi bận làng bóng nước nhà “bốc mùi khét”, bất chấp sức ép rất lớn từ truyền thông, khán giả, vị Trưởng Ban tổ chức họ Dương vẫn trước sau như một: Bằng chứng tiêu cực đâu?

Theo quan điểm của các chuyên gia bóng đá, người hâm mộ có quyền tố cáo và bày tỏ nghi ngờ trước các biểu hiện tiêu cực, còn tìm bằng chứng là công việc của cơ quan điều tra. Bởi vậy, việc ông Dương Nghiệp Khôi đòi hỏi khán giả trưng ra bằng chứng vừa bất hợp lý, vừa thiếu cầu thị, thậm chí còn có thể xem là sự dung túng, thỏa hiệp, cố tình “nhắm mắt ngó lơ” trước tiêu cực.

Ở một diễn biến khác, hẳn chúng ta vẫn chưa quên sự xuất hiện của một tổ chức gọi là Ban Tư vấn Đạo đức bóng đá cuối mùa bóng 2013. Với vai trò tư vấn và giám sát các diễn biến liên quan tới các trận đấu, giải đấu, các đội bóng trong nước, Ban Đạo đức đã làm việc khá hiệu quả. Họ đã nhiều lần cung cấp cho Ban tổ chức những tin nhắn điện thoại (messenger) từ các “sim rác”, có nội dung tố cáo việc dàn xếp tỷ số. Điều đáng nói là những messenger được gửi đến các nhà làm trước thời điểm bóng lăn tới vài giờ đồng hồ, kết quả chung cuộc sau đó cũng đúng như “dự đoán”, song Ban tổ chức vẫn đòi hỏi những bằng chứng mang tính chất ảnh chụp hay băng ghi âm, ghi hình. Hệ quả là chỉ sau một năm hoạt động, Ban Đạo đức đã tuyên bố tự giải thể với lý do: Phần lớn ý kiến không được các nhà làm giải tiếp thu.

U19 Bình Định bị phạt vì dấu hiệu thiếu trung thực.

Liệt kê những sự kiện từng diễn ra trên sân cỏ cả nước để thấy rằng, với khán giả hay Ban tổ chức, gần như không thể có cái gọi là “bằng chứng tiêu cực” (một khi các “con bạc” đi đêm với nhau, đương nhiên họ sẽ kín như bưng), điều quan trọng là Ban tổ chức có quyết tâm chống tiêu cực hay không (?). Nếu thật sự quyết tâm, Liên đoàn hoàn toàn có thể “trảm” mà không cần bằng chứng cụ thể. Chẳng phải quyết định xử phạt U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết cũng không có bằng chứng đó sao? Câu chuyện tương tự từng diễn ra nhiều năm trước: Ông Ngô Tử Hà, một thành viên trong Ban chấp hành VFF được người hâm mộ gọi là “Ngô Công” (để so sánh với Bao Công - Thanh thiên Đại lão gia) bởi cách hành xử quyết đoán. Chỉ cần “ngửi” thấy “mùi tiêu cực” là vị Phó Chủ tịch này sẵn sàng “khai đao” mà không phải lấn cấn với việc mình có “bằng chứng” hay không?

Từ ông Ngô Tử Hà đến giải U19 Quốc gia 2020 cho chúng ta thấy: Các quyết tâm, quyết định chống tiêu cực luôn được dư luận ủng hộ, dẫu chưa có bằng chứng theo kiểu “bắt tận tay, day tận trán” (hiện VFF đã gửi hồ sơ trận Đắk Lắk - Bình Định sang cơ quan công an để điều tra làm rõ). Đợi “bắt tận tay, day tận trán” thì còn gì để nói đến sự “trung thực, cao thượng” của môn thể thao vua nữa?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận