Bản chất của 'huyền thoại'!

Sự kiện cựu tiền đạo xứ Nghệ - Lê Công Vinh được AFC vinh danh là 1 trong 5 huyền thoại của làng bóng khu vực nhận được sự quan tâm của người hâm mộ.

 

Giữa dư luận hai chiều, có vị ký giả còn đặt câu hỏi: Thế nào là “huyền thoại” và Lê Công Vinh có xứng đáng với danh hiệu này?

Một thực tế không thể phủ nhận là nhắc đến Vinh “Nghệ”, người hâm mộ thường đặt anh lên “bàn cân” để so sánh với một tiền đạo cùng lứa, đồng thời là sự lựa chọn hàng đầu của các huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia ở thời điểm ấy: Phạm Văn Quyến… để rồi cảm thán: Nếu Quyến “béo” không “dính chàm” (bán độ tại vòng bảng SEA Games 23 trên đất Philippines năm 2005) thì Vinh “còm” mãi mãi chỉ là “kép phụ”.

Trong chừng mực nào đó, có thể xem sự cân đo đong đếm giữa Vinh và Quyến là “phiên bản thu nhỏ” của cuộc tranh luận không hồi kết, từng khiến làng cầu thế giới “nổi sóng” hơn một thập kỷ trước: “Vua bóng đá” Pele và “Cậu bé vàng” Maradona - ai vĩ đại hơn ai? Tài năng chơi bóng thiên bẩm cũng như vai trò của Maradona với bóng đá Argentina là cực lớn song tiền đạo này vướng vào một điểm đen “chết người”: Từng sử dụng ma túy và là chủ nhân của không ít bê bối tình dục. Vào năm 1999, Pele được Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới lựa chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ” đồng thời được Ủy ban Olympic Quốc tế bầu chọn là “Vận động viên của thế kỷ”. Những danh hiệu này có thể không phải đáp án cho câu hỏi “ai vĩ đại hơn ai?” nhưng chí ít nó cũng cho thấy sự thắng thế của trường phái bóng đá “sạch”, bóng đá “vị nhân sinh”.

Trở lại câu chuyện của Lê Công Vinh, trên phương diện thành tích, có thể khẳng định: Không ai hơn được Vinh “còm” tính đến thời điểm hiện tại. Chân sút gốc Quỳnh Lưu hiện là tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển bóng đá quốc gia (51 bàn); từng 3 lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam (2004, 2006, 2007); Vinh cũng là cầu thủ ghi bàn thắng quyết định đem về chức vô địch AFF Suzuki Cup đầu tiên của Việt Nam (2008), từng ra nước ngoài thi đấu - ở cả châu Âu lẫn Nhật Bản.

Dĩ nhiên, trong số 51 pha lập công cho đội tuyển bóng đá quốc gia, ngoài bàn thắng quyết định trong trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008, Lê Công Vinh không có những pha lập công mang dấu ấn cá nhân giống Văn Quyến. Thậm chí, so sánh với một tiền đạo đồng hương thuộc lứa sau khác là Nguyễn Công Phượng, anh cũng thua kém về lối chơi bóng hoa mỹ với những tình huống đi bóng lắt léo… Song theo quan điểm của chúng tôi, đằng sau ánh hào quang mà AFC dành cho Công Vinh, chí ít cũng để lại những bài học đáng giá cho các thế hệ đi sau.

Vinh là mẫu tiền đạo biết nắm bắt cơ hội. Thực tế là sau khi Văn Quyến “tuột xích”, cơ hội được chia đều cho tất cả. Chẳng phải hàng công của đội tuyển bóng đá quốc gia lúc đó vẫn có Phan Thanh Bình sao? Và Lê Công Vinh đã hơn các cầu thủ cùng thế hệ ở chỗ biết “chớp thời cơ”, vươn lên khẳng định mình.

Lê Công Vinh được AFC vinh danh là 1 trong 5 huyền thoại của làng bóng khu vực.

Mà muốn “chớp thời cơ”, không thể không “biết mình biết người”, kiên trì khổ luyện, chờ đợi. Trong cuốn tự truyện của mình, Vinh “còm” thừa nhận: “Bù lại cho những hạn chế về hình thể và kỹ thuật, tôi lại có được một ý chí mạnh mẽ. Bởi thế mà trong những buổi tập, tôi luôn nỗ lực nhiều hơn các bạn khác”. Không còn nghi ngờ gì nữa, khi đã nhận thức rõ “hạn chế về thể hình và kỹ thuật”, Công Vinh (cũng như những kẻ theo nghiệp “quần đùi áo số”) đều có thể lấy phát ngôn bất hủ của nhà bác học lừng danh Albert Einstein làm kim chỉ nam cho sự nghiệp: Thiên tài là 1% từ năng khiếu và 99% từ sự lao động cần cù! Rõ ràng, nỗ lực của Công Vinh đã được đền đáp xứng đáng.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng “thất bại” của Maradona hay Phạm Văn Quyến trước “đối thủ” rất đáng để chúng ta tham khảo. Bởi một huyền thoại, dù ở lĩnh vực nào, ngoài tài năng vẫn rất cần sự “trong sáng”, “sạch sẽ”!

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận