Mới đây, qua một cuộc thống kê của chuyên trang thể thao Hà Lan Fean Online, có đến 80% người hâm mộ được hỏi cho rằng, SC Heerenveen không nên gia hạn hợp đồng với cầu thủ được cho mượn từ CLB Bóng đá Hà Nội khi mùa giải 2019-2020 kết thúc.
Mọi chuyện càng đáng nói hơn bởi gần 2 tháng trước, cựu chủ tịch CLB Heerenveen là ông Riemer van der Velde đã phân tích bản hợp đồng của Đoàn Văn Hậu trên cả hai khía cạnh chuyên môn và giá trị thương mại rồi khẳng định: Đây là một thất bại toàn diện của đội bóng xứ sở hoa Tulip bởi Văn Hậu không có đóng góp về chuyên môn. Cũng vì Văn Hậu không được ra sân nên Heerenveen không thể khai thác hình ảnh của trung vệ này (giá trị thương mại). Điều đó có nghĩa: Con đường về lại cố hương của tuyển thủ quốc gia này đang “rộng mở” hơn bao giờ hết.
Kết cục buồn ấy không chỉ xảy ra với Đoàn Văn Hậu. 1 năm trước, hai cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo danh tiếng Hoàng Anh Gia Lai JMC là tiền đạo Nguyễn Công Phượng, tiền vệ Lương Xuân Trường cũng lần lượt bị 2 CLB Incheon United (Hàn Quốc) và Buriram United (Thái Lan) “trả về nơi sản xuất” do không đáp ứng được những đòi hỏi về chuyên môn. Với riêng Công Phượng, sau khi rời Hàn Quốc, còn có một thời gian đầu quân cho CLB Sint-Truidense của Bỉ nhưng kết cục cũng chẳng tươi sáng hơn.
Thực tế trên cho thấy, so với mặt bằng chung của các nền bóng đá hàng đầu châu lục và thế giới, giới “quần đùi áo số” Việt Nam vẫn thuộc diện “non” và “xanh”. Không phủ nhận thực tế, để phát triển và nâng tầm cầu thủ Việt Nam thì chuyện được ra nước ngoài thi đấu là giải phải tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Song những chuyến xuất dương phải dựa vào yếu tố chuyên môn (trình độ, thể lực, kỹ - chiến thuật), sự thích nghi về văn hóa - lối sống… mới có thể mang lại thành công. Và đặc biệt, nếu Heerenveen ký hợp đồng với Văn Hậu thì đó phải là nhu cầu từ phía đối tác (cần tăng cường một trung vệ có chất lượng) chứ không chỉ đơn thuần là những “toan tính phía sau hậu trường”, đến mức cựu Chủ tịch CLB cũng không thể tìm được đáp án cho câu hỏi: Anh ta có mặt ở đây vì mục đích chuyên môn hay thương mại? Bởi vậy, chuyện “nửa đường đứt gánh” của Văn Hậu dẫu không ai muốn thì vẫn nằm trong dự đoán của nhiều người, ngay từ thời điểm Đoàn Văn Hậu mới “mang chuông đi đánh xứ người”.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan, nếu như trong quá khứ, những lần xuất ngoại thi đấu của các tiền đạo Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, Nguyễn Việt Thắng cho một số CLB: Chongqing Lifan (giải vô địch Trung Quốc), Leixoes (Bồ Đào Nha), Porto B (cũng của Bồ Đào Nha) hoặc vì mục đích thương mại, hoặc mang ý nghĩa “giao lưu học hỏi” thì việc Đoàn Văn Hậu đến Hà Lan (cũng như Xuân Trường đến Thái Lan, Công Phượng sang Nhật Bản) dẫu chỉ dưới dạng cho mượn song ít nhiều đã có những bước tiến nhất định về khả năng chơi bóng.
Ở phương diện khác, như thừa nhận của chính Văn Hậu trước khi lên đường tới Hà Lan rằng: Em biết là rất khó khăn nhưng vẫn muốn thử sức và chinh phục! Tuy Hậu mới chỉ “thử sức”, chưa thể “chinh phục” thì trung vệ người Thái Bình đã rất dũng cảm. Bởi nếu chỉ vì khó khăn mà chùn bước, vì sợ thất bại mà không dám dấn thân thì chẳng biết đến bao giờ bóng Việt Nam mới bước ra khỏi “ao làng khu vực”!
Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, những Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng chưa thể biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng đó đều là những thất bại cần thiết, để biết mặt bằng bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới và chúng ta phải làm gì để thu hẹp khoảng cách./.
Thanh Hà