'Bán tên' sân vận động V.League?

Làng bóng thế giới xôn xao khi 'Gã khổng lồ xứ Catalan' có một quyết định 'cực sốc': Chào bán tên sân vận động Nou Camp với bản hợp đồng có thời hạn 1 năm.

 

Điều đáng nói là ngay sau khi “chào bán”, lãnh đạo Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Barcelona (Tây Ban Nha) cũng công khai “giải ngân” số tiền thu được. Theo đó, toàn bộ giá trị hợp đồng sẽ được dùng để hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 của cộng đồng. Một quyết định “lạ đời” nhưng không khó lý giải nếu biết hơn một thập kỷ trước (năm 2004), họ từng ký với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) một ràng buộc mang tính "nghĩa hiệp" có thời hạn tới tháng 6/2014 (được gia hạn thêm 2 năm sau đó). Trong “thương vụ” ấy, Barca không những không nhận được một xu từ đối tác mà mỗi năm họ còn chấp nhận chi trả khoảng 2 triệu USD để ủng hộ cho các chương trình từ thiện của UNICEF.

Lợi nhuận thu được từ việc “bán tên” sân vận động nhiều, ít ra sao? Có thể tham chiếu từ sự kiện đội bóng lừng danh xứ sương mù -  Arsenal ký hợp đồng với hãng hàng không Emirates Airlines (EA) gói tài trợ lên tới 100 triệu bảng cách đây gần 2 thập kỷ (năm 2004). Theo đó, sân Highbury sẽ được đổi thành sân Emirates trong 15 mùa giải. Tương tự như vậy, sau khi hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, “Bà đầm già thành Turin” – CLB Juventus đã bán bản quyền đặt tên sân cho Allianz trong thời gian 6 năm (từ 2017 - 2023) và thu về 75 triệu USD.

Với quy mô và tầm ảnh hưởng của Barca, chắc chắn số tiền thu được từ bản hợp đồng này rất đáng kể. Và quan trọng hơn, hướng kinh doanh này đang có dấu hiệu trở thành trào lưu mà ở đó, bản quyền tên sân vận động là một “món hàng” đắt giá, rất được các doanh nghiệp, tổ chức lớn ưa chuộng.

Song, dường như đó chỉ là chuyện của… thiên hạ. Một thực tế không thể phủ nhận là ở Việt Nam, tên sân vận động thường gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử: tên địa danh hay biểu thị cho một giai đoạn phát triển của thể thao địa phương hơn là khái niệm… đẻ ra tiền.

Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên “thánh địa” của Nam Định hiện tại (sân Thiên Trường) từng có tên gọi là sân Chùa Cuối. Tương tự như vậy, từ V.League 2017 trở về trước, tập thể bên dòng Hàn giang từng là nỗi khiếp sợ của cả làng mỗi khi được thi đấu tại sân nhà Chi Lăng nhưng vài ba mùa giải trở lại đây, khái niệm “ải Chi Lăng” đã trở thành quá vãng bởi “thánh địa” của “đội bóng áo cam” không còn ở địa điểm cũ, tên gọi cũng được “tạm đặt” là sân vận động Xuân Hòa.

Trong trí nhớ của người hâm mộ xứ Thanh, đặc biệt là những khán giả cao tuổi, họ vẫn chưa quên sân Thanh Hóa từng được gọi tên là Căng-xít-tát. Theo giải thích của một số chuyên gia thì Căng-xít-tát là phiên âm từ tiếng Pháp: “Court Stade”, đồng nghĩa đây là một trong những thảm cỏ quốc nội có lịch sử rất lâu đời.  Và như chúng ta đã biết, trong cả quá trình “thay tên đổi họ”, từ Chùa Cuối đến Thiên Trường, từ Căng-xít-tát đến sân Thanh Hóa - đội bóng chủ quản, thậm chí là ngành văn hóa - thể thao của địa phương đều không thể thu về, dù chỉ là một xu “tiền bản quyền”.

Liệu bóng đá Việt Nam có thể chào bán tên sân vận động?

 Nghịch lý này chí ít có thể lý giải bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, ở sân cỏ quốc nội, đây là hướng kinh doanh quá mới mẻ, chưa ai “nghĩ đến”, chưa từng có tiền lệ. Thứ hai, với V.League, đó là một “mặt hàng” quá rẻ rúng, không đáng tiền. Chẳng phải thế sao khi ngay cả bản quyền truyền hình vốn là “con gà đẻ trứng vàng” của các giải đấu hàng đầu thế giới nhưng ở xứ ta, hoặc người ta “bán rẻ”, hoặc thương thảo với các nhà đài để “đổi ngang” lấy hơn chục phút quảng cáo trong thời khắc giải lao giữa hai hiệp. Thậm chí, đến thương hiệu CLB cũng thay đổi “xoành xoạch” theo nguyên lý, doanh nghiệp nào tài trợ đều có thể “gắn đuôi” (chẳng hạn như LG Hà Nội ACB, Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An…). Tên gọi CLB, bản quyền truyền hình còn “rẻ rúng” đến thế, bảo sao không ai nghĩ đến chuyện kinh doanh “tên sân vận động”!

Nhưng đó là câu chuyện cũ, của bóng đá thời “bao cấp”; ở thời điểm hiện tại, khi nội dung một tấm pa-nô ven đường quốc lộ cũng có thể quy đổi ra tiền thì dù “muộn còn hơn không” để các ông bầu bóng đá V.League dành nhiều hơn sự quan tâm đến “mảnh đất đang để hoang” này, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục gây những thiệt hại lớn về kinh tế cho các đội bóng./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận