Khép lại thời “du học”, mở ra chương mới trong sự nghiệp
Hiện tại thành tích cá nhân của Ánh Viên bị đi xuống, phải rời xa môi trường tập luyện chuyên nghiệp ở Mỹ, lại chia tay chuyên gia Đặng Anh Tuấn - người thầy gắn bó cả chục năm qua.
6 năm rèn luyện tại Mỹ đã khép lại, Ánh Viên bước sang giai đoạn khác: thầy mới và nơi tập mới. Đội tuyển bơi Việt Nam đang tập luyện trong bối cảnh bị “cấm trại” tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM, Ánh Viên được HLV Phan Thị Hạnh trực tiếp dẫn dắt, với mục tiêu giành vé chính thức dự Olympic Tokyo. “Dù đang giai đoạn tập luyện nặng nhưng thành tích của Ánh Viên tốt. Ánh Viên vẫn tập luyện để sẵn sàng cho các giải thi đấu dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6” - HLV Phan Thị Hạnh cho biết.
Từng 2 lần góp mặt ở Thế vận hội, nhưng lúc này khả năng lần thứ 3 đoạt vé của cô gái Cần Thơ đang bị đặt dấu hỏi. Thời đỉnh cao, năm 2016, Ánh Viên chỉ mất 2 phút 12 giây 95 để hoàn thành cự ly 200m hỗn hợp. Sau nhiều năm tập luyện tại Mỹ, thông số cự ly 200m hỗn hợp của Ánh Viên giảm sâu, thụt lùi hơn 7 giây. Riêng nội dung sở trường 400m hỗn hợp, Ánh Viên đạt thông số “đỉnh” là 4 phút 36 giây 85, khi giành hạng 9 chung cuộc tại Olympic 2016, nhưng hiện tại, thành tích thụt lùi đến 11 giây.
Tỏa sáng rực rỡ tại SEA Games, Ánh Viên là huyền thoại của đường đua xanh Đông Nam Á với tổng cộng 25 tấm HCV qua 4 kỳ đại hội, nhưng rõ ràng thành tích của Ánh Viên còn cách xa đấu trường thế giới, và biểu đồ thông số cá nhân đang đi xuống. Tại SEA Games 30, Ánh Viên đã khóc và thừa nhận: “Đoạt HCV mà thành tích không tốt”.
Bơi là môn thể thao chu kỳ
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hàng loạt giải bơi lấy chuẩn Olympic như giải Singapore mở rộng, Malaysia mở rộng, bơi Hungary mở rộng đều bị hoãn mà chưa biết khi nào mới tổ chức. Những giải mục tiêu hoãn vô thời hạn, tính toán điểm rơi phong độ gặp trở ngại, việc tập luyện không được như ý, nhưng các VĐV, trong đó có Ánh Viên tràn đầy quyết tâm khắc phục khó khăn để có sự chuẩn bị tốt nhất, khi các giải đấu quay trở lại.
Giữa muôn vàn khó khăn, cô gái 24 tuổi mang quân hàm đại úy dần lấy lại thăng bằng và lao vào tập luyện. “Môn thể thao bơi lội là môn chu kỳ. Để trở lại đỉnh cao thêm một lần nữa thì thành tích của tôi phải có giai đoạn đi xuống. Kiểu như leo núi, leo lên ngọn này xong, muốn leo lên một ngọn núi khác thì phải thay đổi kế hoạch. Tôi yêu thích bơi lội vì nó cho tôi nhiều thứ lắm. Cái gì mình yêu mến thì mình cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt, vì vậy tôi không thấy bị áp lực” - Ánh Viên chia sẻ.
Bơi lội đã mang lại cho Ánh Viên rất nhiều, rõ nhất là khoản đầu tư tập huấn khoảng 30 tỷ đồng trong 6 năm qua. Nhưng bơi cũng lấy đi của Ánh Viên không ít. Ánh Viên trải qua tuổi mười tám đôi mươi bên Mỹ, nhiệm vụ mỗi ngày chỉ là ăn, ngủ, bơi. Bên Mỹ, Ánh Viên không bạn bè, không mạng xã hội, cho đến gần đây khi tập ở trong nước cô mới có vài người bạn mới quen. Nhưng như Ánh Viên khẳng định, không bao giờ hối tiếc khi giành trọn đam mê cho đường đua xanh và sẽ tiếp tục cố gắng để trở lại đỉnh cao.
“Thần tượng của tôi là Katinka Hosszu, đội tuyển bơi Hungary. Cô ấy năm nay 31 tuổi nhưng vẫn luôn tập luyện siêng năng và giữ mình ở đỉnh cao. Đấu trường Olympic là đấu trường danh giá cuối cùng của thể thao, khi đạt được chuẩn để đi đến đó thi đấu là tự hào lắm rồi. Càng tự hào hơn khi mình được thi đấu chung với thần tượng của mình. Tôi đã được dự Olympic 2 lần rồi, mong muốn là nếu tôi còn đủ khả năng thì tiếp tục được góp mặt”.
Ánh Viên vẫn cho thấy ý chí cực kỳ mạnh mẽ. Cô không hài lòng với chính mình tại SEA Games 30 và khẳng định sẽ cải thiện các nhược điểm để thành công hơn ở năm 2021, cùng mục tiêu kép Olympic Tokyo và SEA Games 31 trên sân nhà./.