Tiền phạt ít hơn tiền… 'thắng độ'!

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức đưa ra những phán quyết xử phạt những cầu thủ có hành vi cá độ của nhóm cầu thủ Đồng Tháp.

 

Đó là trận đấu giữa U21 Vĩnh Long - U21 Đồng Tháp tại vòng loại giải bóng đá vô địch U21 Quốc gia 2019 (ngày 19/6/2019 trên sân Thành Long 1, Thành phố Hồ Chí Minh). 

Theo đó, người bị xác định “chủ mưu” là Huỳnh Văn Tiến của đội U21 Đồng Tháp bị phạt 5 triệu, đồng thời không được tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý trong 5 năm. 10 cầu thủ còn lại gồm: Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài và Trần Công Minh cùng chịu mức phạt 2,5 triệu đồng, cấm thi đấu 6 tháng.

Để có cái nhìn toàn diện về tính “răn đe”, mức độ “nghiêm khắc” của án phạt, trước hết hãy nói về một chuyển động từng xôn xao showbiz Việt cách đây hơn nửa thập kỷ. Trước trào lưu “lộ hàng” của các ca sĩ, người mẫu… cơ quan chức năng đã áp mức phạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng đối với hành vi, trang phục phản cảm trên sân khấu.

U21 Đồng Tháp

Quyết định này ngay lập tức vấp phải phản ứng rất dữ dội. Dư luận cả nước đều “chúng khẩu đồng từ”, cho rằng: Mức phạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng chỉ là “chuyện vặt”, không đáng bận tâm nếu so với thu nhập, thù lao của giới ca sĩ, người mẫu. Trong tương quan càng “hở hang”, càng  “khoe hàng”, chủ nhân càng “nổi tiếng”, càng dễ thu hút được sự chú ý của dư luận cũng như tìm kiếm các hợp đồng quảng cáo (đương nhiên, giá trị các hợp đồng quảng cáo đều cao gấp hàng trăm lần tiền phạt) thì các hotgirl chẳng có gì phải nghĩ ngợi, “lăn tăn”… thậm chí, nhiều người đã chuẩn bị sẵn một khoản tiền phạt và cứ thế vô tư “khoe” trên thảm đỏ hay “diễn” trong các video clip.

Trở lại án phạt của VFF. Như chúng ta đã biết, ở trận đấu ấy, Huỳnh Văn Tiến đã rủ rê đồng đội chơi cá cược dưới hình thức tài - xỉu. Họ chọn “kèo xỉu” (tỉ số chung cuộc dưới 3 bàn thắng) và do hầu hết trong số 11 “con bạc” đều được ra sân đá chính nên họ dễ dàng điều khiển kết quả trận đấu ở tỉ số hòa 1-1. “Thắng độ”, Tiến hể hả cầm 133 triệu (đã trừ “tiền phế” cho nhà cái) chia chác cùng “đồng bọn”, mỗi cầu thủ nhận được trung bình hơn 12 triệu đồng.

Không khó để nhận thấy, số tiền “thắng độ” hơn 12 triệu ấy, sau khi nộp phạt (5 triệu), Huỳnh Văn Tiến vẫn  “lãi” khoảng 7 triệu đồng. Thực hiện phép tính trừ với 10 cầu thủ còn lại, cũng cho ra con số: Các “đồng phạm” đều “lãi” gần chục triệu đồng/người. Đây thực sự là nghịch lý và phi lý không thể chấp nhận. Khi số tiền phạt chỉ tương đương 1/5 tiền cá độ thì rõ ràng “bản án” không hề có tính răn đe. “Con bệnh” rất dễ “lờn thuốc”, “ngựa quen đường cũ”! Trên nhiều phương diện, có thể nói: các phán quyết của VFF vô tình sẽ tạo nên tiền lệ rất nguy hiểm, mang tính tiếp tay cho cầu thủ cá độ bởi với số tiền phạt “bèo bọt” kia, chẳng có gì đảm bảo những “con bạc mặc quần đùi áo số” không tiếp tục đặt cược, thậm chí chuẩn bị sẵn ngân khoản “nộp” cho Liên đoàn trong những lần kế tiếp (sau khi “hết án”).

Dĩ nhiên, ai đó có thể bao biện rằng bên cạnh số tiền phạt, Huỳnh Văn Tiến và các “chiến hữu” còn phải chịu mức án cấm thi đấu. Đành rằng, quãng thời gian “treo giày 5 năm” có thể là dấu chấm hết cho đời cầu thủ nhưng ngoài kẻ chủ mưu, với chục “con bạc” còn lại, việc cấm thi đấu trong nửa năm không có nhiều ý nghĩa.

“Bóng ma” cá độ đã và đang hủy hoại sân cỏ quốc nội. Nhiều năm trước, khi chứng kiến cảnh các cầu thủ của mình bán độ, một ông bầu bóng đá đã quyết định giải thể đội bóng chứ không chấp nhận chuyện bị đám “quần đùi áo số” xỏ mũi, đem chính kết quả thi đấu của đội nhà để… đặt cược. Ấy thế nhưng, trên thực tế thì chưa có phương thuốc trị tiệt nọc nạn bán độ. Thậm chí, nạn bán độ ngày càng “trẻ hóa” và tinh vi. Điều này khiến chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: Phải chăng, các án phạt của Liên đoàn không đủ nặng nên không khiến cầu thủ, HLV các đội e ngại, cân nhắc khi thực hiện hành vi tương tự? Hỏi, tức là đã biết cách trả lời!./.

Thanh Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận