Khi bóng đá không phải… nông sản!

Vài ngày trước, làng cầu quốc nội được một phen xôn xao trước sự kiện ông bầu Đỗ Quang Hiển 'tặng' toàn bộ nhân sự đội bóng U21 Hà Nội cho CLB Bóng đá Phú Thọ.

 

Người bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng số lượng các CLB (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư) có “dấu ấn bầu Hiển” ngày càng tăng. Người thì lắc đầu ngán ngẩm bởi sự “cho tặng” và tiếp nhận ấy phản ánh thực trạng “xây nhà không móng” hoàn toàn phản chuyên nghiệp…

Không ai có thể phủ nhận đấy là những nghi ngại có căn cứ bởi nhiều mùa giải gần đây, câu chuyện “một ông chủ nhiều đội bóng” mà bầu Hiển đích thị là “nghi can số một” gây bức xúc cho giới truyền thông, lãnh đạo các CLB cũng như khán giả cả nước. Bên cạnh đó, việc vài chục cầu thủ trẻ “từ trên trời rơi xuống” CLB Bóng đá Phú Thọ khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi về công tác đào tạo, tập huấn vốn nằm trong triết lý, chiến lược tồn tại, lộ trình cần thiết để một đội bóng từ nghiệp dư tiến lên sân chơi chuyên nghiệp.

Liên quan đến công tác đào tạo bóng đá trẻ ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, người viết liên hệ đến một vấn đề xã hội “nóng” đã tồn tại nhiều năm: Thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để có cái nhìn toàn diện, hãy nhắc lại một chuyển động “xưa như diễm” sau mỗi vụ thu hoạch nông sản ở xứ ta.

Dường như đã thành lệ, cứ mỗi lần mùa màng bội thu là bà con nông dân lại “mếu máo”, khẩn thiết kêu gọi cộng đồng… giải cứu. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thậm chí còn trở thành “đề tài nóng” trên nghị trường. Quả thật, nếu không có sự chung tay của người dân, hàng chục tấn từ thanh long, hành, tỏi đến dứa, dưa hấu, chuối, củ cải… sẽ chẳng biết tiêu thụ như thế nào. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là nông sản gắn liền với thu nhập và đời sống người nông dân nên trước khi chờ đợi các giải pháp mang tầm vĩ mô thì trong quá trình nuôi trồng, chính người dân cũng cần hoạch định cho mình một sách lược trồng cấy khoa học, hợp lý. “Giải cứu” một hay vài vụ, vài năm còn được chứ cứ năm này qua năm khác, đến vụ lại… trông chờ giải cứu thì đó không phải là giải pháp lâu dài để nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam có thể phát triển bền vững, ổn định.

Trở lại câu chuyện của bầu Hiển. Như chúng ta đã biết, 2 năm trước, ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng sở hữu một tập thể được xem là “sân sau” của Hà Nội FC: Đội hạng Nhất Hà Nội B. Trước khi tham dự trận play-off để giành quyền thăng hạng chuyên nghiệp, toàn bộ “quân”, “tướng” của Hà Nội B đã được bầu Hiển “tặng” cho Hà Tĩnh.

Ông Đỗ Quang Hiển “tặng” toàn bộ nhân sự đội bóng U21 Hà Nội cho CLB Bóng đá Phú Thọ.

Trước đó 2 năm, đầu mùa bóng 2016, sau khi một đội bóng “sân sau” khác của Hà Nội FC là CLB Hà Nội giành vé chuyên nghiệp (cuối mùa bóng 2015), ông Hiển cũng đánh tiếng “biếu” đội này cho thành phố mang tên Bác nhưng đáp lại thịnh tình ấy là cái lắc đầu rất dứt khoát từ Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng thêm với vụ “tặng” đội bóng mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết, tính trung bình, cứ 2 năm 1 lần, lò đào tạo của Hà Nội FC lại “xuất” 1 lứa cầu thủ đủ tiềm lực và năng lực để giành suất chơi chuyên nghiệp. Việc liên tục giới thiệu các đội bóng trẻ là bằng chứng cho thấy bầu Hiển là một trong không nhiều ông bầu làm bóng đá nghiêm túc, có chiến lược lâu dài.

Tuy nhiên, vẫn sau khoảng thời gian 2 năm/lần, cứ sau mỗi bận các cầu thủ chứng tỏ được sự trưởng thành bầu Hiển lại… chạy đôn chạy đáo” tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Và như đã nói, nhiều lần ông Hiển sẵn sàng “cho không” nhưng chẳng ai muốn nhận, bất chấp thực tế là “hàng” của Hà Nội FC rất có chất lượng. Bạn đọc đừng quên tiền đạo Nguyễn Quang Hải - chân sút số 1 của đội tuyển Việt Nam hiện tại cũng là sản phẩm của lò đào tạo này. Một năm trước, đội U21 Hà Nội (vừa chuyển giao cho Phú Thọ) đã đăng quang tại giải U21 Quốc gia.

 “Xuất khẩu” cầu thủ nói riêng và xuất khẩu hàng hóa nói chung, mục đích lớn nhất là tìm kiếm lợi nhuận. Mà bóng đá thì không phải… nông sản, không thể kêu gọi sự chung tay từ truyền thông, khán giả.

Thực tế ấy cho thấy, “kinh doanh cầu thủ” ở nước ta chưa hẳn đã là hướng đi đúng trong bối cảnh hiện tại. Bởi không nhiều nơi sẵn sàng tiếp nhận hay “giải cứu” một đội bóng khi họ chưa có tâm thế, cơ sở vật chất cần thiết (sân bãi; nơi luyện tập, ăn ở) và nhất là kinh phí (lên đến hàng chục tỷ đồng/năm) để nuôi mấy mươi con người./.

Thanh Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận