Một vòng đấu mà những khán giả Nam Định đã phải chen lấn tới “mướt mồ hôi” mới có thể sở hữu một tấm vé vào sân; cũng là vòng đấu mà cả “quân” - “tướng” lẫn ông bầu của đội bóng bên bờ sông Mã đã “sướng như phát điên” khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu.
Để có cái nhìn đúng đắn về “giá trị đích thực” của cúp Quốc gia, hãy nhắc lại cuộc đối đầu giữa Xuân Thành Sài Gòn với Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC hiện tại) cách đây 8 mùa giải.
Sở dĩ tôi chọn mùa giải 2012 làm điểm quan sát là bởi năm ấy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ, hai đội bóng này có 2 lần liên tiếp đối đầu nhau ở hai sân chơi. Vòng 26 V.League - có ý nghĩa như trận Chung kết (đội nào thắng sẽ nâng cúp vô địch) và hơn chục ngày sau là trận Chung kết đúng nghĩa ở Cúp Quốc gia cùng mùa giải.
Trước trận “Chung kết V.League 2012”, Xuân Thành Sài Gòn của ông bầu Nguyễn Đức Thụy nắm trong tay quyền tự quyết và để hiện thực hóa giấc mơ “đưa cúp về phương Nam”, bầu Thụy đã tung gói “kích cầu” kỷ lục: Thưởng 8 tỷ đồng (cao gần gấp 3 lần trị giá giải thưởng từ Ban tổ chức) nếu đội nhà vượt qua đối thủ. Diễn biến trận đấu ra sao thì người hâm mộ đều đã biết. Không thể xuyên thủng mành lưới đối phương, ông bầu Nguyễn Đức Thụy gần như hóa đá bên ca-bin huấn luyện, cay đắng nhìn chiếc Cúp hóa thành “cánh chim cuối trời”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu như trận thư hùng ở V.League hấp dẫn bao nhiêu thì khi tái đấu ở trận chung kết Cúp Quốc gia, diễn biến lại tẻ nhạt bấy nhiêu. Bầu Thụy quyết định “tháo khoán”, mở cửa tự do vào sân cho khán giả; chỉ bán vé ở các “khán đài Vip” nhằm mục đích thu hồi chút kinh phí chi cho công tác tổ chức, bảo dưỡng mặt cỏ. Cầu thủ cũng nhập cuộc với thái độ cầm chừng, không quá vui mừng sau mỗi bàn thắng. Thậm chí, khi cùng đội nhà nâng Cúp (thắng 4-1 chung cuộc), nhận số tiền thưởng “bèo bọt” 350 triệu đồng, ông Thụy cũng không tỏ ra quá mừng rỡ.
Sự tương phản đến mức đối lập trên mọi phương diện như đã đề cập (quyết tâm của cầu thủ, tham vọng của ông bầu, trị giá giải thưởng…) chính là chiếc hàn thử biểu chân xác, phản ánh thực tế đắng ngắt: Trong nhãn quan của các CLB, Cúp Quốc gia đã, đang và vẫn là giải đấu nặng về giao hữu, thủ tục. Với đa số các đội bóng, đây chỉ là nơi để cầu thủ trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm; vô địch thì tốt nhưng bị loại cũng… chẳng sao! Chẳng thế mà trong quá khứ, khi một đội bóng chuyên nghiệp phải thụ án “thi đấu trên sân không có khán giả”, lãnh đạo CLB này đã “đùn” án phạt sang một trận đấu thuộc Cúp Quốc gia với lý luận “nghe ra chừng phải quá” rằng: Cúp Quốc gia không ai quan tâm, mở cửa tự do cũng chẳng có mấy khán giả nên không lo ngại việc thất thu từ tiền bán vé!
Trở lại câu chuyện của vòng 1/16 Cúp Quốc gia năm nay. Đây là vòng đấu hiếm hoi mà tất cả các sân bóng đều rất sôi động (sân Thiên Trường thậm chí còn “cháy vé”). Chưa hết, màn “phơi áo” của đội bóng phố núi Pleiku đã châm ngòi cho “cơn thịnh nộ” của không ít khán giả Hoàng Anh Gia Lai. Đây đó, trên các diễn đàn mạng, một lượng không nhỏ người hâm mộ đã kêu gọi nhà cầm quân người Hàn Quốc Lee Tae Hoon từ chức - họ lấy sự thành bại ở Cúp Quốc gia để thẩm định năng lực huấn luyện viên, điều chưa từng có ở sân chơi quốc nội.
Tuy nhiên, sẽ là quá sớm nếu lấy phản ứng từ phía khán giả làm căn cứ để khẳng định Cúp Quốc gia đã và đang xác lập được “thương hiệu”. Một thực tế không thể phủ nhận là vòng 1/16 Cúp Quốc gia là hoạt động bóng đá đầu tiên ở ta sau nhiều tháng các trận đấu, giải đấu bị “đóng băng” vì đại dịch Covid-19. Sự “máu lửa” của cầu thủ, hào hứng của cổ động viên rất có thể do mọi người phải trải qua một quãng thời gian dài bị dồn nén vì “đói” bóng đá. Và khi “cơn đói bóng đá” ấy được bù lấp bởi những trận cầu nảy lửa, không khoan nhượng từ V.League thì rất có thể Cúp Quốc gia sẽ trở lại với tình trạng “đói khán giả” như những gì đã diễn ra trong quá khứ./.