Trên lý thuyết (cũng như thực tế sân cỏ quốc nội nhiều năm qua đã chứng minh), một câu lạc bộ chuyên nghiệp với đầy đủ binh hùng tướng mạnh, giá trị chuyển nhượng lên tới vài chục tỷ đồng sẽ dễ dàng “ăn tươi nuốt sống” một đội bóng không tương xứng về đẳng cấp (thi đấu ở hạng dưới). Bởi vậy, việc cấm sử dụng cầu thủ ngoại chính là một thứ gia vị cần thiết để tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn; giúp các cặp đấu bớt chênh lệch, không rơi vào thế trận một chiều. Thực tế là khi được “chấp ngoại binh”, đội hạng Nhất Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên tục tạo nên những “cơn địa chấn”. Ngày 24/5, họ vượt qua một đội bóng chuyên nghiệp là Câu lạc bộ (CLB) Sài Gòn (thắng 2-1); sau đó đúng một tuần lễ (30/5/2020), một đại diện khác của giải chuyên nghiệp là nhà cựu vô địch Sông Lam Nghệ An tiếp tục trở thành “bại tướng” trước Bà Rịa Vũng Tàu sau loạt sút penalty cân não.
Điều này cho thấy, nếu không có những “ông Tây” trong đội hình thì sự chênh lệch giữa các CLB là không đáng kể. Chẳng phải thế sao khi ở vòng loại, mặc dù đang sở hữu tiền đạo nội đẳng cấp quốc gia là Hà Đức Chinh nhưng do không được tung hai ngoại binh là Tanga và Akinade vào sân nên cựu vương SHB Đà Nẵng đã phải “mướt mồ hôi” mới có thể giành thắng lợi tối thiểu trước đội hạng Nhất Bóng đá Huế. Không còn nghi ngờ gì nữa, những gì đã diễn ra ở Cúp Quốc gia 2020 tiếp tục tái khẳng định thực tế: Câu chuyện thở bằng “lá phổi” mang tên ngoại binh của đa số các CLB ở xứ ta vẫn là “căn bệnh trầm kha” và chưa thể có thuốc đặc trị.
Và quan trọng hơn, khi một số trận đấu ở Cúp Quốc gia 2020 trở thành “chuyện nội bộ”, người hâm mộ không thể không sững sỡ trước “thực tại đắng ngắt”: Cái gọi là “không chênh lệch nhiều” giữa các cầu thủ nội không hề mang tính chất “giỏi ngang nhau” mà lại biểu thị cho khái niệm “kém như nhau”!
Hãy lấy trận thư hùng Hà Nội FC - Đồng Tháp làm điểm quan sát. Theo các con số thống kê thì ở trận đấu này, nhà đương kim vô địch V.League tạo ra tới… 30 cơ hội có thể chuyển hóa thành bàn thắng. Tức cứ trung bình 3 phút một lần, bóng lại được sút về phía cầu môn đội khách nhưng chỉ có 3 lần bóng chui vào mành lưới. Cần nói thêm là trong chiến thắng chung cuộc 3-0 của đội chủ sân Hàng Đẫy, có tới 2/3 pha lập công được thực hiện ở phút bù giờ. Nói cách khác, trong suốt thời gian thi đấu chính thức, Hà Nội FC tạo ra gần ba chục tình huống nhưng chỉ có duy nhất 1 lần được cụ thể hóa bằng bàn thắng. Đây thực sự là hiệu suất ghi bàn rất kém, bất chấp thực tế là huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm đang sở hữu cùng lúc cả đương kim “Quả bóng Vàng” lẫn “Quả bóng Bạc” 2019, lần lượt là Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Quang Hải.
Các nhà tổ chức, thậm chí là chính bản thân cầu thủ vẫn có thể bao biện bằng luận điểm: Cúp Quốc gia 2020 chỉ là sân chơi “hạng hai”, không được nhiều CLB quan tâm; đồng thời giải đấu có những quy chế, điều lệ mang tính đặc thù (như quy định “cấm ngoại binh” mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết) nên không thể xem là chiếc hàn thử biểu chính xác để định năng lực, trình độ cầu thủ. Nhưng dẫu sao đi nữa thì chuyện “thở bằng phổi ngoại binh” và sự cùn mòn trên hàng công của các đội bóng vẫn là thực tế không thể phủ nhận. Nó một mặt đặt ra những yêu cầu mang tính chiến lược (về lâu dài cần trao thêm cơ hội cho cầu thủ bản địa); mặt khác cũng là bài toán cần sớm lời giải cho sự thiếu sắc của các tiền đạo nội ở cấp CLB. Điều này có nghĩa, những khó khăn, thách thức đang chờ đón HLV trưởng Park Hang Seo ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia là không hề nhỏ./.