'Vàng mười' trên khán đài!

Sự kiện giải bóng đá cao nhất quốc nội trở lại sau đại dịch Covid-19 và tạo nên 'cơn sốt' với người hâm mộ có thể xem là một trong những điểm nhấn đáng chú ý.

 

Lượng khán giả tăng vọt, lên tới 56.700 người tại vòng 4 (trung bình hơn 8.000 cổ động viên/trận) khiến chuyển động trên các khán đài đã và đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm từ phía dư luận, đặc biệt là sự cố “vỡ sân” Hà Tĩnh.

Theo thống kê từ Ban tổ chức, sân Hà Tĩnh chỉ có sức chứa 13.000 chỗ ngồi nhưng phải “cõng” tới hơn hai vạn khán giả. Hàng nghìn người hâm mộ bên dòng sông La đã chen lấn, xô đẩy, trèo qua cả hàng rào sắt và tiến xuống sát đường pitse. Trận đấu diễn ra trong sức ép ghê gớm (phải gián đoạn chừng hai chục phút để ổn định trật tự), đến mức sau hồi còi mãn cuộc, một cầu thủ đội khách đã thú nhận, rằng anh ta cảm thấy không an toàn khi thi đấu trong một bối cảnh như vậy!

Có nhiều nguyên nhân lý giải sự cuồng nhiệt của khán giả Hà Tĩnh. Thứ nhất, như đã đề cập, do V.League gián đoạn quá lâu bởi dịch Covid-19 nên không chỉ Hà Tĩnh mà người hâm mộ cả nước đều có chung cảm giác “đói” bóng đá. Thứ hai, lâu nay vùng đất Hồng Lĩnh - La Giang vốn là “vùng trắng” trên bản đồ V.League, nay bỗng có một câu lạc bộ chuyên nghiệp nên sự hào hứng của người hâm mộ quê nhà càng tăng thêm gấp bội.

Theo thông tin mới nhất từ Trưởng ban tổ chức giải Trần Anh Tú thì Ban kỷ luật đã tuyên phạt sân Hà Tĩnh 15 triệu đồng, đồng thời yêu cầu nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Chúng tôi không phủ nhận thực tế việc “vỡ sân” chính là “điểm đen” trong công tác tổ chức của sân Hà Tĩnh nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực thì sự cố này lại chính là cơ hội phát triển cho bóng đá nơi đây.

Ban kỷ luật đã tuyên phạt sân Hà Tĩnh 15 triệu đồng.Hãy lấy chuyển động sân Thanh Hóa tại V.League hơn một thập niên trước làm cơ sở đối chiếu. Năm 2007, sân nhà của đội bóng bên bờ sông Mã cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ở trận Halida Thanh Hóa - Đà Nẵng, sức chứa khoảng 15.000 người của sân Thanh Hóa đã bị quá tải khi số khán giản tràn vào sân lên tới hơn 2,5 vạn người. Cổng khán đài A hai lần bị xô đổ, gây nên một cảnh hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia. Ngay sau khi vòng đấu kết thúc, Ban tổ chức giải đã “họp khẩn” và lập tức ban hành một quyết định rất nghiêm khắc: xử phạt CLB Thanh Hóa thua 0-3 cùng số tiền 20 triệu đồng.

Điều đáng chú ý là “trận cầu tai tiếng” này không chỉ để lại… tai tiếng mà còn gợi mở cho lãnh đạo bóng đá Thanh Hóa việc khai thác tiềm năng từ các cổ động viên. Khán giả không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa cổ vũ, khích lệ mà còn  được nhìn nhận là nguồn lực đối với sự phát triển của CLB. Do nhìn “đúng” và “trúng” mục tiêu nên doanh thu từ tiền bán vé đã tăng vọt. Theo một thống kê của báo giới, chỉ cần 2 trận cầu “cháy vé” thì CLB Thanh Hóa sẽ có đủ kinh phí chi trả cho toàn bộ nhân sự trong một tháng. Chưa hết, sự cuồng nhiệt của khán giả xứ Thanh chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp một CLB luôn bị nhận diện “khốn khó trăm bề” đủ sức vượt qua mọi khó khăn để cạnh tranh sòng phẳng ở sân chơi chuyên nghiệp cùng nhiều “đại gia”. Điều này giải thích vì sao sau khi tiếp quản đội bóng, Chủ tịch CLB Nguyễn Văn Đệ đã chỉ đạo nhân viên treo dòng chữ “Tài sản lớn nhất của câu lạc bộ là người hâm mộ” bên trong sân vận động tỉnh!

Trở lại sự kiện “vỡ sân” ở Hà Tĩnh. Không khó để nhận thấy chuyển động sân Hà Tĩnh tại vòng 4 V.League 2020 và sân Thanh Hóa 13 năm trước có nhiều điểm tương đồng. Khán giả - từ chỗ bị nhận diện là “nguồn cơn gây rắc rối”, “nguyên nhân của nhiều án phạt” đã trở thành niềm tự hào của “người xứ Thanh” và luôn sát cánh cùng đội bóng. Đấy có lẽ cũng là những gợi ý để lãnh đạo bóng đá Hà Tĩnh rút ra cho mình bài học có giá trị thực tiễn!

Thanh Hà

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận