Khi 'vua sân cỏ' phải… 'chín ép'!

Những vòng đấu gần đây, chất lượng trọng tài đã và đang trở thành một trong những chủ đề 'nóng' nhất của làng cầu quốc nội.

 

Tại trận đấu Quảng Nam - Bình Dương (vòng 5 V.League 2020) người hâm mộ cả nước còn được chứng kiến hình ảnh “xưa nay hiếm”: Sau khi hồi còi kết thúc trận đấu vang lên, cho rằng đội nhà bị “xử ép”, Chủ tịch đội bóng đất Quảng là ông Nguyễn Húp đã tìm đến tận phòng riêng của tổ trọng tại để… chất vấn!

Còn trước đó, tại vòng 3, trận thư hùng DNH. Nam Định - Viettel đã chứng kiến một “cơn mưa vật thể lạ” mà nguyên nhân chủ đạo bắt nguồn từ tình huống người điều khiển trận đấu phạt thẻ đỏ trực tiếp đối với trung vệ Lâm Quang Anh của đội chủ nhà ở phút 78. Cũng vòng đấu này, trên sân Thống Nhất, trọng tài chính Nguyễn Viết Duẩn đã gây xôn xao dư luận khi vung ra 2 tấm thẻ vàng, lần lượt “tặng cho” huấn luyện viên (HLV) trưởng Chung Hae-seong và trợ lý Lư Đình Tuấn do những lời nói, biểu hiện quá khích từ phía ban lãnh đạo câu lạc bộ (CLB) thành phố Hồ Chí Minh.

Câu chuyện trọng tài V.League 2020 còn đưa đến nhiều chuyển động bi hài khác. Sau thất bại thứ hai liên tiếp ở vòng 4, HLV Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) đã “xâu chuỗi” với công tác trọng tài ở nhiều vòng đấu trước và đăng đàn nêu câu hỏi: Vì sao Nam Định liên tục bị “thổi ép”?. Bên cạnh đó, không thể không kể đến hành động “đại náo phòng trọng tài” của Chủ tịch Quảng Nam FC mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết. Hành động mà nhiều ngày sau đó, ông Nguyễn Húp vẫn khẳng định: Tôi không sai mà do trọng tài có vấn đề!

Cần phải nói ngay rằng, chất lượng trọng tài dẫu có nhiều bất cập nhưng không khó để khắc phục. Trong quá khứ, công nghệ VAR (bố trí nhiều máy quay dọc đường biên để hỗ trợ trọng tài) từng được Ban tổ chức đưa vào thí điểm; giải pháp mời trọng tài ngoài cũng nhiều lần được áp dụng. Tuy nhiên, nói như cựu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi thì cả “công nghệ VAR” và “trọng tài ngoại” đều không mang tính bền vững. “Điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng trọng tài nội; mà để nâng cao thì cần cho họ cơ hội cọ sát, tập dượt. Nếu không tạo điều kiện cho trọng tài trẻ bắt V.League thì làm sao họ có thể trưởng thành” - ông Mùi bày tỏ quan điểm.

Trọng tài Nguyễn Đình Thái bị phản ứng trong trận đấu giữa Quảng Nam và Bình Dương ở vòng 5 LS V.League 2020.Ý kiến của ông Nguyễn Văn Mùi nhiều phần “có lý” và trên thực tế, công tác bồi dưỡng trọng tài V.League những năm gần đây đã phát triển theo hướng này. Ở một số trận đấu V.League không mang tính quyết định (không ảnh hưởng đến cuộc đua xuống hạng hay cạnh tranh huy chương) thì các vị “vua trẻ” đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam âm thầm cho “thử lửa”. Cứ theo lộ trình này thì vài ba mùa giải tới, chúng ta sẽ sở hữu một đội ngũ trọng tài thực sự chất lượng.

Nhưng đó là câu chuyện ở… tương lai! Tại V.League 2020, có nhiều biểu hiện cho thấy đội ngũ “cầm cân nảy mực” phải… chín ép. Vì nhiều lí do mà giải chuyên nghiệp năm nay không có sự tham gia của các trọng tài: Hoàng Phạm Công Khanh, Nguyễn Phương Nam, Nguyễn Trung Kiên. Ba ông “vua áo đen” khác, từng đạt danh hiệu FIFA là Nguyễn Hiền Triết, Nguyễn Trọng Thư và Trương Hồng Vũ cũng không được triệu tập.

Ngoài 6 gương mặt dày dặn kinh nghiệm này, sân chơi “sang” nhất làng còn không có sự hiện diện của 4 trợ lý do không vượt qua được kỳ sát hạch thể lực đầu mùa giải. Trong bối cảnh ấy, các nhà làm giải đã phải “đôn” một số “vua trẻ” khác lên bắt chính để… đảm bảo quân số. Nói cách khác, việc V.League 2020 “dậy sóng” vì trọng tài là điều đã nằm trong dự cảm của không ít chuyên gia.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Ban tổ chức mạnh dạn trao cơ hội cho nhiều vị “vua trẻ” (dẫu trong sự “mạnh dạn” ấy có nhiều phần bất đắc dĩ vì… thiếu người) đã không mang lại hiệu quả như mong đợi./.

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận