Trước đó là chiến lược gia Hoàng Văn Phúc của Sài Gòn FC và nhà cầm quân Fabio Lopez của CLB Bóng đá Thanh Hóa. Đây là minh chứng rất rõ cho thấy sự khắc nghiệt ở giải đấu cao nhất làng cầu quốc nội mùa bóng năm nay.
Sau quãng thời gian phải “nằm im” để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, giữa tháng 5 vừa qua, Ban tổ chức đã quyết định V.League 2020 sẽ diễn ra theo thể thức mới: Chia thành 2 nhóm đội mạnh - yếu. Sau lượt đi, 8 đội xếp trên sẽ cạnh tranh chức vô địch với nhau. Tương tự như vậy, suất xuống hạng duy nhất sẽ là cuộc đua của 6 đội thuộc nhóm dưới. Về lý, thể thức này các đội “bằng vai phải lứa”, trình độ “sàn sàn như nhau” sẽ trực tiếp cạnh tranh với nhau; nhờ vậy mà tính ganh đua, khốc liệt cũng sẽ cao hơn.
Bởi vậy, không khó để hình dung kịch bản: Lượt đi của V.League 2020 sẽ vô cùng khốc liệt. Người người, nhà nhà sẽ bung sức, nỗ lực hết mình để giành một vị trí trong top 8. Chuyển động giải chuyên nghiệp cũng minh chứng điều này khi một số CLB không có thành tích tốt nhất đã lập tức nghĩ đến chuyện “thay tướng đổi vận”.
Cần nói thêm là trong số 3 nhà cầm quân phải nói “lời người ra đi” thì trường hợp HLV Hoàng Văn Phúc không hẳn đã tương đồng với 2 người còn lại. Ông Phúc rời “ghế nóng” sau vòng 2 (thời điểm V.League 2020 chưa áp dụng thể thức mới), còn cả Fabio Lopez (Thanh Hóa FC) và Vũ Hồng Việt (Quảng Nam FC) đều phải bỏ băng ghế huấn luyện bởi nguyên nhân duy nhất là điểm số và thành tích. Thanh Hóa FC “trảm tướng” khi đội nhà chôn chân ở đáy bảng xếp hạng. Quảng Nam FC cũng vội vã “thay ngựa giữa dòng” sau khi rơi xuống vị trí áp chót.
Đáng nói hơn, nhà cầm quân ngoại quốc Fabio Lopez bị sa thải sau vòng 4 thì chỉ ba vòng đấu sau, ông Vũ Hồng Việt cũng ngậm ngùi đệ đơn từ chức. Có thể nói, đây là tỷ lệ khá cao trong lịch sử V.League cũng như các giải đấu trên khắp hành tinh. Theo nhận định của các chuyên gia, do áp lực từ việc “tách nhóm” (đội nào cũng muốn lọt vào nhóm trên để có cơ hội cạnh tranh huy chương, đồng thời không phải lo xuống hạng) nên từ nay đến hết giai đoạn 1, chắc chắn sẽ có thêm những ông thầy khác phải cầm sa bàn chỉ đạo dưới “giá treo cổ”.
Nhìn nhận khách quan thì việc các HLV liên tiếp phải rời là tín hiệu rất đáng mừng. Một mặt, nó cho thấy tính cạnh tranh, sự “ăn thua”, nỗ lực của các CLB tại sân chơi V.League năm nay. Nếu thành tích bất xứng kỳ vọng, không như cam kết trong các bản hợp đồng đã ký thì ai cũng có thể bị “trảm”. Tuy nhiên, sự quyết tâm, khát khao giành điểm số này có được cả làng bóng duy trì đến hết mùa giải hay không lại là câu chuyện khác.
Trên thực tế, V.League 2020 cũng như các mùa bóng trước, ngoại trừ một số CLB có thực lực, khát vọng (như Hà Nội FC) thì đa số các đội bóng chuyên nghiệp ở ta đều chỉ đặt mục tiêu “khiêm tốn”: Trụ hạng. Không ít CLB sau khi hoàn thành chỉ tiêu đã không còn động lực thi đấu! Với họ, thắng hay thua một vài trận còn lại cũng chẳng nghĩa lý gì nữa: vô địch thì không tới mà cuối bảng cũng không lo. Chính vì sự sớm hài lòng, không còn mục tiêu phấn đấu của nhiều đội đã khiến những tiêu cực như xin - cho, “đá bóng trên bàn” nảy sinh và trở thành “điểm đen” trong nhiều mùa giải gần đây.
Quan trọng hơn, tại V.League 2020, để trụ hạng thì chỉ cần lọt vào nhóm 8 đội dẫn đầu sau giai đoạn 1 là có thể “kê cao gối, ngủ ngon giấc”. Nói cách khác, cục diện giải năm nay nhiều khả năng sẽ sớm được an bài.
Vì vậy, trong sự “ồn ào” trên băng ghế huấn luyện của một số đội tham gia sân chơi V.League 2020 ở thời điểm hiện tại, có không ít tín hiệu đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực ở giai đoạn 2.
Thanh Hà