V.League 2020 vẫn 'mịt mù' ngày trở lại

Trước sức ép rất lớn từ phía các CLB bóng đá chuyên nghiệp, mới đây, VPF đã công bố một số giải pháp cho quãng thời gian thi đấu còn lại của V.League 2020.

 

Ba phương án đầu đều có chung mốc: Tái khởi tranh vào đầu tháng 9 rồi tùy tình hình đội tuyển quốc gia (đang thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á), Cúp Quốc gia và diễn biến giải hạng Nhất để “chốt” thời điểm hạ màn (cuối tháng 10 hoặc cuối năm). Phương án thứ tư là tổ chức đá nốt hai lượt trận cho “trọn vẹn lượt đi” rồi… nổi hồi còi tan cuộc!

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến “sức ép từ các CLB” là bởi vài ngày trước, Chủ tịch CLB Bóng đá Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã có văn bản xin không tiếp tục tham dự V.League 2020. Một công văn mà theo các chuyên gia là “có phần vội vàng”! Chẳng phải thế sao khi sau đó, các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm cao hơn ông Đệ đã yêu cầu ông rút đơn? Song, nếu tinh ý, dễ dàng nhận thấy thông điệp mà “bầu Đệ” gửi gắm. Việc ông Đệ xin “dừng cuộc chơi” chỉ là “giết gà dọa khỉ” - ép VPF phải đưa ra câu trả lời chính thức: V.League có tiếp tục hay không? Bao giờ đá tiếp?... Nó giống như trong lịch sử V.League, nhiều ông bầu từng tuyên bố giải tán đội bóng nếu chất lượng đội ngũ trọng tài không được cải thiện.  

Nói V.League 2020 vẫn “mịt mù” ngày trở lại.Vì vậy, sẽ không quá lời khi nói, chính lá đơn của bầu Đệ là một trong những nguyên nhân khiến VPF buộc Ban tổ chức phải họp khẩn, và kết quả là người ta đã chính thức công khai 4 “kịch bản” cho mùa bóng mà chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết.

Điểm rất đáng chú ý là trong chủ trương kết thúc sớm V.League 2020 (lấy kết quả 11 vòng đấu đã qua làm căn cứ phân định thứ hạng chung cuộc), ngoài đại diện 4 CLB: Quảng Nam, Nam Định, Sông Lam Nghệ An và Thanh Hóa còn có sự hưởng ứng rất tích cực từ Chủ tịch đội bóng đất Cảng Trần Mạnh Hùng. Thậm chí, theo nội dung mà Chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An chia sẻ cùng giới truyền thông thì chính ông Hùng là người “khởi xướng” và… “rủ rê” các đội khác!

Việc ông Trần Mạnh Hùng có đồng quan điểm hay không, xét cho cùng thì không quá quan trọng bởi “thêm” hay “bớt” một CLB cũng chẳng nhiều ý nghĩa. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là ông Hùng - ngoài vị trí Chủ tịch CLB Hải Phòng còn là “lãnh đạo VPF” đúng nghĩa, hiện giữ cương vị phó chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Nói cách khác, trên lý thuyết, quyền lực và trách nhiệm của vị lãnh đạo này chỉ kém Chủ tịch Trần Anh Tú. Điều đó cũng có nghĩa, nơi “thượng tầng kiến trúc” VPF đã và đang nảy sinh sự bất đồng. “Đá tiếp” hay “kết thúc sớm” thì ngay cả Hội đồng quản trị cũng chưa có quan điểm nhất quán.

Phải chăng, vì thế mà VPF mới để ngỏ cùng lúc tới 4 phương án nói trên. Điểm rất dễ nhận thấy là cả bốn khả năng có thể áp dụng đều hoàn toàn phụ thuộc vào… diễn biến dịch bệnh Covid-19. Nếu mọi thứ suôn sẻ, dịch bệnh sớm được kiểm soát thì 1 trong 3 giải pháp đầu tiên sẽ được áp dụng. Trong trường hợp không thể tái khởi động vào đầu tháng 9, các nhà làm giải sẽ “tranh thủ” một quãng thời gian ngắn, lập tức chuyển sang phương án thứ tư.

Những dẫu phương án nào đi chăng nữa thì đó đều là câu chuyện ở… thì tương lai. Muốn hay không, mọi người vẫn phải nín thở chờ đợi một thời gian nữa. Trong tình hình hiện tại, chẳng ai dám khẳng định đến đầu tháng 9, sân cỏ quốc nội “có” hay “không” tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, “có” hay “không” phát sinh những diễn biến mới?  Nói V.League 2020 vẫn “mịt mù” ngày trở lại là vì thế!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận