Song điều khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc cảm thấy lo ngại là tuyến trẻ Việt Nam “đông” nhưng không “tinh”, tuyệt đại đa số cầu thủ đều chưa đủ “chín” để có thể đảm đương một vị trí chính thức trong đội hình đội U23 Quốc gia tham dự và hướng tới mục tiêu bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 31.
“Thầy Park” không khó nhận ra hạn chế từ các học trò. Ông cho rằng cầu thủ trẻ khó “chín sớm” vì không được các đội bóng chủ quản sử dụng. Ông Park Hang Seo cũng không giấu giếm ý định: Thông qua Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tổ chức một buổi nói chuyện với lãnh đạo 28 CLB bóng đá chuyên nghiệp (các đội đang tham gia V.League và giải hạng Nhất Quốc gia), tìm ra giải pháp để học trò “chín nhanh”, thậm chí là “chín gấp”. Giải pháp ấy không gì khác là trao cho cầu thủ nhiều cơ hội để họ cọ xát, tích lũy những kinh nghiệm cần thiết.
Cần phải nói ngay rằng, những lời tâm huyết của ông Park Hang Seo cũng chính là điều mà các quan chức bóng đá Việt Nam từng nghĩ đến và từ hơn nửa thập kỷ trước, họ đã phát “lời hiệu triệu” đến tất cả các đội bóng. Ai cũng biết, ở bất kỳ đâu trên thế giới, “nền móng” của một đội tuyển bóng đá là giải chuyên nghiệp vô địch Quốc gia. Nhận thức rõ điều này nên ở mùa bóng 2013, VFF đã công khai chủ trương “trẻ hóa V.League” và thực thi một cách khá quyết liệt - yêu cầu các CLB tham dự phải có ít nhất 3 cầu thủ dưới 23 tuổi trong danh sách đăng ký trước mỗi trận đấu. Song oái oăm thay, với các đội bóng ở ta, “có tên trong danh sách đăng ký” là một chuyện, còn các ông bầu, HLV có dám sử dụng 3 cầu thủ trẻ kia hay không lại là chuyện khác. Vậy nên, dẫu mùa bóng năm ấy, lượng cầu thủ dưới 23 tuổi được đăng ký rất nhiều nhưng số lần họ được đá chính thì chỉ… đếm trên đầu ngón tay.
Nghịch lý này không khó lý giải bởi trong nhãn quan, sách lược điều hành của các ông bầu, thành tích của CLB tại sân chơi V.League mới là quan trọng nhất. Nó ảnh hưởng tới lượng cổ động viên trên khán đài, số tiền thu về từ các nhà tài trợ; thậm chí, với một số CLB, nếu không giành vé trụ hạng thì đội bóng hoàn toàn có thể bị giải thể. Vì vậy, họ không dám mạo hiểm với thứ hạng của đội nhà, không dám “đánh cược” với các cầu thủ trẻ. Điều đó có nghĩa, chủ trương “trẻ hóa” của VFF chỉ phát huy tác dụng… trên văn bản; việc “đăng ký 3 cầu thủ trẻ” hoàn toàn mang tính… đối phó với Ban tổ chức.
Đáng nói hơn, đã nhiều năm trôi qua nhưng thực trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa Liên đoàn với lãnh đạo các CLB trong sách lược “trẻ hóa” đội tuyển không hề được khắc phục. VFF vẫn “rát hơi bỏng cổ” kêu gọi, còn các CLB thì cứ “mũ ni che tai”, coi đó là… chuyện của Liên đoàn! Mà đúng là chuyện của Liên đoàn thật!
Vậy thì ý nguyện của HLV Park Hang Seo muốn tổ chức một buổi “nói chuyện” với lãnh đạo 28 đội bóng tại hai giải đấu cao nhất quốc nội liệu có khả thi và có giải quyết được thực tế thiếu cầu thủ trẻ tài năng, cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao?
Chúng tôi tin rằng, trong cương vị HLV trưởng đội bóng đá U23 Quốc gia, ông Park Hang Seo không có thực quyền và không thể… ép các CLB phải đưa cầu thủ trẻ vào sân. Kể cả khi có sự hậu thuẫn, “bật đèn xanh” từ phía VFF thì giải pháp này cũng không thể phát huy tác dụng vì như đã phân tích: Chuyện CLB “lách luật”, đi ngược văn bản, điều lệ của Liên đoàn là điều xảy ra… như cơm bữa và đáng kể hơn, các quan chức bóng đá nước nhà không thể bắt bẻ hay áp dụng một hình phạt cụ thể (bởi CLB không làm sai quy định).
Vậy thì nhiều khả năng, nếu buổi “gặp mặt” kia được tiến hành, “thầy Park” chỉ biết dùng… tình cảm để thuyết phục! Sẽ sử dụng các khái niệm “chiến lược”, “tầm nhìn”, “lợi ích chung” để khơi gợi tinh thần “màu cờ sắc áo”!
Hy vọng là khi “cái lý” không chấm dứt được tình trạng “kèn thổi ngược”, thì “cái tình” từ HLV Park Hang Seo sẽ nhận được sự đồng cảm, chung tay từ phía các ông bầu.
Thanh Hà