Phía sau tấm vé rớt hạng!

Câu lạc bộ Bóng đá Quảng Nam vẫn phải ngậm ngùi trở thành hành khách duy nhất trên chuyến tàu ngược về giải hạng Nhất 2021.

 

Đã không có bất ngờ nào xảy ra ở vòng đấu “chốt hạ” (đối với nhóm dưới) tại V.League 2020: “Tử thần” đã gọi tên “cựu vương xứ Quảng” - dẫu chiến thắng 4-2 trước Hải Phòng song.

Nhìn nhận khách quan thì Quảng Nam FC xuống hạng là… xứng đáng. So với cả làng, và thậm chí là so với chính họ vài ba năm trước thì “đội bóng xứ Quảng” năm nay “thiếu” và “yếu” trên mọi phương diện. Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên vài tháng trước, khi cả xã hội chung tay chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quảng Nam là ông Nguyễn Húp đã hai lần gửi công văn đến Ban tổ chức, đề nghị “dừng V.League, góp phần chống dịch”. Đáng nói hơn, ngay sau khi ông Húp chính thức có ý kiến, làng cầu quốc nội đã “râm ran” chuyện Chủ tịch “đội bóng xứ Quảng” đang “mượn gió bẻ măng” - lấy lý do dịch bệnh để đề nghị giải chuyên nghiệp “dừng hẳn” chỉ là động thái hợp thức hóa chuyện Quảng Nam sẽ được chơi V.League thêm (ít nhất là) một mùa giải nữa. Thực tế cho thấy, suốt cả mùa bóng năm nay, Quảng Nam FC rất “chung thủy” với vị trí bét bảng xếp hạng, chưa bao giờ “ngoi lên” khỏi nhóm “cầm đèn đỏ”.

Điều này ít nhiều khiến người hâm mộ cảm thấy ngỡ ngàng, bởi chính Quảng Nam FC 3 năm trước đã kết thúc mùa giải với vị trí cao nhất. Tuy nhiên, chỉ cần có chút am tường về túc cầu giáo nơi đây thì chúng ta sẽ dễ dàng lý giải được nghịch lý này. “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân” khiến một đội bóng sau 3 năm từ “đỉnh cao” đã rơi thẳng xuống “vực sâu”, không gì khác ngoài… sự hào phóng của nhà tài trợ. V.League 2017, Quảng Nam chi rất “đậm” trên thị trường chuyển nhượng nhưng tại V.League 2020, họ gần như “im hơi lặng tiếng”.

Câu lạc bộ Bóng đá Quảng Nam vẫn phải ngậm ngùi trở thành hành khách duy nhất trên chuyến tàu ngược về giải hạng Nhất 2021. Vì lẽ đó, việc Quảng Nam FC xuống hạng không chỉ là kết cục tất yếu mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ, rằng: Mặc dù đã “khoác áo chuyên” tới hai thập kỷ nhưng không ít đội bóng ở xứ ta vẫn hoàn toàn “dựa lưng” vào doanh nghiệp. Nhà tài trợ “mạnh tay” - đội bóng “sống vui sống khỏe”; doanh nghiệp “rút ống thở” - CLB lập tức “thoi thóp” và có thể lăn ra “giãy đành đạch” bất cứ lúc nào.

Nhưng quan trọng hơn, điều khiến không ít khán giả cảm thấy lo ngại chính là câu chuyện “hậu xuống hạng” của thày trò huấn luyện viên Nguyễn Thành Công. Lấy chính đối thủ của Quảng Nam FC tại cuộc đua trụ hạng năm nay làm điểm quan sát. Như chúng ta đã biết, 10 năm trước, Nam Định rớt hạng và cần tới 8 năm để trở lại sân chơi cao nhất. Đáng kể hơn đó lại là thành tích mà chưa đội bóng nào đạt được bởi dăm mùa giải trở lại đây, những Đồng Tháp (2016), Long An (2017), Cần Thơ (2018) và Khánh Hoà (2019), kể từ khi rớt hạng đến nay vẫn “lóp ngóp” ở giải hạng Nhất.

Bi đát hơn nữa là với không ít tập thể, xuống hạng đồng nghĩa với… giải thể mà câu chuyện của HV An Giang (2014), Đồng Nai (2015) là dẫn chứng điển hình. Ai cũng biết, để “nuôi” một đội bóng chuyên nghiệp đòi hỏi ngân khoản hàng năm lên tới hàng chục tỉ đồng. Thêm nữa, với các tập thể “thường thường bậc trung” như hai đội bóng nói trên, chẳng có gì đảm bảo sau khi rớt hạng sẽ sớm giành vé lên chuyên nghiệp; và lên V.League rồi thì liệu có đủ lực để trụ lại hay tiếp tục “rớt đài”?... Hàng loạt vấn đề đặt ra và trong bối cảnh “hiện tại tối tăm - tương lai mù mịt”, lãnh đạo Đồng Nai, An Giang đã chọn giải pháp… giải thể CLB.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyển động tại sân Tam Kỳ tại mùa giải năm sau chẳng còn là “chuyện riêng” của “người xứ Quảng” mà đã trở thành vấn đề mang tầm vĩ mô: Mục tiêu, chiến lược của các CLB sau khi nhận vé rớt hạng!

Thanh Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận