Thủ tướng nêu sáng kiến: 'Đưa hàng từ nông thôn ra thành thị'

Thủ tướng đưa ra sáng kiến đưa hàng từ nông thôn lên thành thị, thực hiện kích cầu thị trường 100 triệu dân.

 

Ngày 2/12, Chính phủ dành cả ngày họp phiên thường kỳ tháng 11. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm nay, kinh tế vẫn có khả năng đạt tăng trưởng 2,5 - 3%, và thu ngân sách khả quan hơn so với mức báo cáo Quốc hội. Để đẩy thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ chống dịch trước mắt, đồng thời đưa ra sáng kiến đưa hàng từ nông thôn lên thành thị, thực hiện kích cầu thị trường 100 triệu dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tháng 11 là tháng đất nước có nhiều khó khăn, thách thức như bão chồng bão, lũ chồng lũ, xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở TP HCM. Cùng với đó, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng như họp Quốc hội, các sự kiện đối ngoại.

Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo toàn diện, quyết liệt các biện pháp, nên đã khắc phục được khó khăn, dần khắc phục hậu quả thiên tai, các sự kiện quan trọng đạt kết quả tốt, các nhiệm vụ phục hồi kinh tế xã hội đạt kết quả tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo đó, Thủ tướng chỉ ra một số điểm sáng của nền kinh tế, như hoạt động khôi phục kinh tế xã hội đang trên đà tích cực, nhất là Nghị quyết mới sửa đổi Nghị quyết 42 về tháo gỡ khó khăn cho các gói hỗ trợ giúp đi vào cuộc sống thuận lợi hơn. Vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam trong triển khai Nghị quyết rất quan trọng để giải ngân hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn. Với những nỗ lực, quyết tâm cao, năm 2020, nước ta có thể đạt tăng trưởng 2,5 đến 3%, nền kinh tế duy nhất ở khu vực tăng trưởng dương.

Thành công nữa là lạm phát được kiểm soát, chỉ tăng 0,08% so với tháng 12 năm trước, CPI bình quân 11 tháng chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ. Như vậy bước đầu có thể cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay ở mức 3,4 đến 3,5%.

Với sự phấn đấu của các ngành, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp mở ra các thị trường mới, xuất siêu xác lập kỷ lục mới, 20 tỷ USD sau 11 tháng. Quy mô kim ngạch thương mại hai chiều sẽ vượt mức so với năm 2019. Đây là điều rất đáng mừng trong bối cảnh thương mại thế giới sụt giảm 15%.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Hết 11 tháng, cả nước giải ngân được gần 80% kế hoạch năm, tăng 34% so với cùng kỳ. Tháng 12 là tháng mang tính dấu ấn trong thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, khối lượng vốn rất lớn của Bộ Giao thông vận tải vận tải thì Bộ trưởng cam kết sẽ giải ngân 100%.

Về thu ngân sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước năm nay thu được 1 triệu 380 nghìn tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán, cao hơn mức báo cáo Quốc hội là dự kiến năm nay đạt 86%. Nhiều địa phương đã hết sức cố gắng để có tăng trưởng cao, thậm chí đạt ở mức 2 con số.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực RECP sẽ có hiệu lực trong 18 tháng tới, mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa nước ta. Như vậy trong gần 5 năm qua, nước ta đã tham gia 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là một thành công rất quan trọng. Nước ta cũng đã thể hiện rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA của LHQ.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu những khó khăn, thách thức cả bên ngoài và bên trong và nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu tinh thần thực hiện mục tiêu kép, không chỉ tháng 12 này mà cả các năm tiếp theo.

Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là quyết liệt khăc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân và yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cứu trợ thiên tai, tái bố trí dân cư, đưa người dân dần trở lại cuộc sống bình thường, khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực giám sát, ứng phó thiên tai.

Trước việc xuất hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho biết, ngay chiều 2/12, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng dự thảo Công điện chỉ đạo về việc phòng chống Covid-19. Khẳng định ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân, nếu không cái giá phải trả là rất lớn, Thủ tướng chỉ đạo TP HCM và các cơ quan chức năng “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/ Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa” để khoanh vùng, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần. Bộ Giao thông vận tải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng ta phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược đã từng mang lại hiệu quả tốt, đó là phải kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả. Tất cả các tỉnh, thành phố phải đề cao cảnh giác hiện tốt phương châm “5K”, trước hết là “2K” đầu tiên là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang, nhất là những nơi phương tiện công cộng. Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc này tốt hơn. Các tỉnh còn lại không được mất cảnh giác vấn đề này.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng làm tê liệt các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn. Trong đó TP HCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế xã hội như bình thường. Một tinh thần là không hoang mang không được chủ quan. Mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.

Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2,5 đến 3%. Theo đó cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường là đối tác tham gia các hiệp định thương mại mà chúng ta cùng tham gia; tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng hàng thiết yếu, công nghệ, thiết bị y tế.

Với việc còn một lượng vốn lớn chưa giải ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thúc đẩy giải ngân cả vốn ngân sách và ODA. “Tôi yêu cầu giải ngân tốt, nhưng đảm bảo chất lượng công trình, không được hình thức, lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai chỉ đạo, kết luận tại hội nghị vừa qua (về giải ngân vốn đầu tư công), gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy phụ trách công việc này. Những công trình trọng điểm thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải tiếp tục thực hiện các cam kết của mình trước Quốc hội và Chính phủ”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng chỉ rõ, những mặt hàng đặc trưng của vùng miền phải được đưa ra tiêu thụ ở các đô thị, thành phố, thị xã lớn...

Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh đầu tư công, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Muốn làm được điều đó thì phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư chuỗi cung ứng. Các địa phương cần phải họp lại tháo gỡ về một loạt dự án ODA chưa triển khai được. Chủ tịch, Bí thư phải ra tay chỉ đạo. Các cấp, các ngành vướng chỗ nào phải chỉ rõ.

Về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tương đương 5 triệu ha rừng, mà Thủ tướng đã nêu ra, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án, chính sách cụ thể để triển khai.

Từ thành công của việc đưa hàng hóa về nông thôn trước đây, Thủ tướng đưa ra sáng kiến về việc đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. “Chúng ta thường nói kích cầu tiêu dùng bằng cách đưa hàng về nông thôn. Nhưng hôm nay chúng ta đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới, đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Đó là phải đưa hàng của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị. Có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng vùng nông thôn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ rõ, những mặt hàng đặc trưng của vùng miền phải được đưa ra tiêu thụ ở các đô thị, thành phố, thị xã lớn, không phải chỉ đưa hàng từ thành thị về nông thôn. Phải đưa chuyện này ngược lại thành một chương trình. Các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức tư tương, cá nhân, hiệp hội phải tổ chức chương trình đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Điều này giúp kích cầu thị trường 100 triệu dân.

Trong lĩnh vực y tế, ngoài chỉ đạo chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế sớm có đề án cải cách bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 16 tuổi, nhất là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận