Kết nối đặc sản vùng miền với thị trường

Để đặc sản vùng miền có chỗ đứng ở thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài là bài toán nan giải.

 

Xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa… đã vào được các hệ thống phân phối có uy tín trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, để đặc sản vùng miền trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao là bài toán nan giải.

Khó khăn trong tiếp cận thị trường

Dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu… và có nhiều loại đặc sản, nhưng nhà sản xuất chưa quan tâm tới việc nâng cao giá trị cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ cho đặc sản. Bên cạnh đó, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến nhãn mác, thương hiệu, sự liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, chưa gắn kết với thị trường… làm giảm giá trị kinh tế của các sản phẩm đặc sản vùng miền.

Ông Mai Văn Hải, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Bometa tại Nghệ An cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất, yêu cầu đặt ra là phải kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hoá. Với Công ty Cổ phần Tập đoàn Bometa, nguyên liệu được lấy từ vùng miền núi Nghệ An, Công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu cũng như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang có lợi thế tự nhiên và nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ.

Xoài của tỉnh Sơn La đủ yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Trấn Long/VOV-Tây Bắc)

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đã được tỉnh Nghệ An quan tâm, song công tác quảng bá còn hạn chế, do đó giá bán ra còn thấp. Thời gian tới, việc mở rộng thị trường tiêu thụ rất quan trọng, đặc biệt là đối với nhóm sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp. “Khó khăn hiện nay là việc tìm đầu ra cho các sản phẩmđã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Về quảng bá, nhiều sản phẩm mới được đưa ra thị trường cho nên khách hàng chưa biết đến nhiều, bởi thế, chúng tôi mong tìm đến nhà phân phối” - ông Hải nói.

Cần đầu tư bài bản

Chia sẻ về những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm của địa phương, bà Chu Thị Mai Phương, đại diện Công ty TNHH Hoàng Anh Maca cho biết: “Muốn phát triển và để hỗ trợ người nông dân, tôi nghĩ rằng Sở Công Thương hoặc Nhà nước nên hỗ trợ được cho các doanh nghiệp về các gian hàng hoặc về quảng bá. Hiện nay, nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã trú trọng tổ chức các lễ hội nông sản, bởi đây được xem là cách để chủ động tìm kiếm thị trường, tiếp cận đối tác thu mua lớn nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản Việt, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền” - bà Mai chia sẻ.

Để đặc sản vùng miền có giá trị kinh tế cao cần tăng cường kết nối thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu bài bản. (Ảnh: Hà Nguyên)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ chiến lược quảng bá thương hiệu; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại; bảo đảm xuất xứ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đặc sản, nhằm gắn kết giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ. “Chúng ta đã tìm ra những mặt hàng có thế mạnh của địa phương, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, các cuộc kết nối giao thương trong và ngoài nước và quan trọng nhất, giúp cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiêu thụ được sản phẩm có thế mạnh. Bên cạnh đó còn xây dựng được các chỉ dẫn địa lý để quảng bá trong nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩmcủa các vùng miền sâu xa đã được người tiêu dùng toàn quốc và một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã biết đến”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm đặc sản đặc trưng của từng vùng miền. Thế nhưng, để có chỗ đứng ở thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn; đồng thời liên kết với nhau để sử dụng chung dịch vụ nhằm tiết kiệm chi phí và tạo sức mạnh cạnh tranh. Để đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền, phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, bên cạnh việc tăng cường kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, mỗi sản phẩm cần được xây dựng thương hiệu một cách bài bản, đẩy mạnh cải tiến thiết kế mẫu mã, bao bì... ./.

Bá Toàn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận