Khó khăn trong xử lý vi phạm
Tết đến gần là thời điểm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp. Tại nhiều chợ vùng ven biên giới, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Nike, Gucci vẫn được bày bán công khai.
Đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý thị trường và 6 ngành chức năng tham gia kiểm soát, xử lý vi phạm, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tung hoành. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm hàng hóa không phối hợp với lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.
Một tiểu thương bán hàng ở chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai cho biết: “Tôi chỉ biết mua hàng về bán thôi, không hề biết cách phân biệt hàng thật hàng giả như thế nào. Nhiều khi chúng tôi muốn tìm hiểu các hãng sản xuất xem đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, nhưng không biết hỏi ai”.
Thực tế này đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý hàng giả, hàng nhái. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm giám sát thị trường để phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả sản phẩm của mình, thậm chí họ còn không phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái.
“Chúng tôi mong muốn có văn bản pháp luật ràng buộc với chủ thể quyền, doanh nghiệp. Có văn bản quy định sẽ giúp quản lý thị trường khi thực thi công vụ”, ông Đỗ Du Bắc, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai.
|
Ông Đỗ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, cho biết: Một số thương hiệu lớn phối hợp rất tốt với lực lượng quản lý thị trường tập huấn, hướng dẫn lực lượng chức năng phân biệt, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Nhưng còn một số hãng chưa phối hợp nên quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
“Khi đại diện chủ thể quyền phối hợp thì chúng tôi mới dễ dàng xử lý, xác định các vi phạm. Hiện có những trường hợp là các sản phẩm gạch men bị vi phạm sở hữu trí tuệ, chúng tôi đã thông báo nhưng họ không phối hợp xử lý nên chúng tôi phải bỏ kinh phí gửi về Cục SHTT giám định để xử lý”, ông Đỗ Hoài Nam cho hay.
Cần văn bản ràng buộc trách nhiệm
Việc xử lý tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn, bất cập còn có nguyên nhân do quản lý thị trường chỉ được xử lý bằng biện pháp dân sự hoặc xử phạt hành chính. Số lượng các vụ bị khởi tố còn ít. Nhiều vụ việc xử lý hàng giả, hàng nhái kéo dài, không xử lý được, gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng chức năng, chủ yếu vướng ở khâu giám định đâu là hàng thật, hàng giả.
Ông Đỗ Du Bắc, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn có văn bản pháp luật ràng buộc với chủ thể quyền, doanh nghiệp. Trong quá trình đi làm nhiều doanh nghiệp chưa hợp tác, nên có văn bản quy định sẽ giúp quản lý thị trường khi thực thi công vụ”.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP được ban hành mới đây về xử phạt việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng xách tay và bảo vệ người tiêu dùng, chế tài xử phạt tăng gấp 5 lần so với trước, đặc biệt mức phạt được áp dụng trên giá trị hàng thật. Chế tài đã mạnh hơn, nhưng để xác định hàng giả, hàng nhái nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ tốt cho lực lượng chức năng rất cần văn bản quy định trách nhiệm chủ thể quyền, doanh nghiệp trong việc phối hợp với lực lượng chức năng khi thực thi công vụ./.
Mạnh Phương