Hàng trăm tấn xoài ở Đắk Nông phải đổ bỏ làm phân bón vì 'bí' đầu ra

Người trồng xoài tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm hecta xoài đến vụ thu hoạch nhưng không có người thu mua.

 

Ông Phạm Công Văn, ở thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn có gần 2 hecta trồng các loại xoài xuất khẩu. Năm ngoái, từ khu vườn này gia đình có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay, từ đầu vụ đến giờ, gia đình chỉ bán được gần 100 triệu đồng, đủ tiền trả tiền phân bón chứ không có lãi. Toàn bộ số xoài còn lại giờ phải đổ bỏ.

“Giá cả bây giờ xuống thấp quá, thấp nhất từ hồi tôi làm xoài đến giờ. Xoài xuất khẩu còn có 3.000 đến 3.500 đồng/kg. Còn hàng chợ tiêu thụ nội địa chỉ còn 500 đồng/kg, như xoài Ba mùa không ai mua xem như vứt không rồi. Nhà nào xoài xấu mà nhiều chỉ 500 đồng/kg tính ra không đủ tiền công hái. Nhiều nhà họ để cho chín rụng hoặc giờ đi làm cành xoài Ba mùa họ xả cả trái xuống đất để làm phân vi sinh”, ông Phạm Công Văn nói.

Hơn 10 tấn xoài Ba mùa gia đình anh Phạm Công Văn phải vứt bỏ.

Tương tự, gia đình bà Lê Thị Tư, có hơn 1,2 hecta xoài cũng không thể tiêu thụ khiến cho gia đình thua lỗ nặng. Bà Tư cho biết, hiện vườn xoài mới chỉ bán được một ít nhưng giá quá thấp. Bán 1 tạ xoài chưa đủ tiền trả công cho người thu hoạch. Mặc dù thua lỗ nhưng gia đình vẫn phải vay tiền để chăm sóc duy trì vườn cây.

“Nhà tôi hiện tại có khoảng 5 - 6 tấn mà không bán được đồng nào, phải bỏ vì không có người mua. Vườn xoài này, tôi đầu tư một năm hết khoảng 70 triệu nhưng giờ phải chăm sóc, bón phân, phun thuốc đầy đủ để cây xoài có sức cho quả vụ sau. Tình hình giá cả năm nay cộng dịch bệnh nữa nên xoài không bán được, có nhà không đủ tiền đầu tư”, bà Lê Thị Tư cho hay.

Giá quá rẻ, nhà vườn để xoài rụng không thu hái.

Theo thống kê của xã Đắk Gằn, hiện toàn xã có khoảng 1.000 hecta xoài các loại. Trong đó, có khoảng 700 hecta đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 15 đến 20 tấn mỗi hecta một vụ. Ông Đỗ Viết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số chủ vườn mới chỉ bán được hơn một nửa với giá rẻ, còn lại phải bỏ vì không có người mua và giá quá thấp.

“Về giải pháp, xã đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp có chế biến sâu về cây ăn trái, để từng bước khảo sát tiến tới đầu tư. Địa phương động viên bà con cố gắng chăm sóc, giữ vườn cây cho những năm tiếp theo. Đồng thời, chúng tôi có kiến nghị với cơ quan nhà nước, ngân hàng có cơ chế gia hạn nợ hoặc khoanh nợ giảm lãi suất cho vay đối với người trồng xoài để giảm thiểu thiệt hại, rủi ro”, ông Đỗ Viết Hạnh cho biết thêm./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận