'Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên 2021'

Gần 1.000 điểm cầu tham gia 'Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021' diễn ra vào sáng mai - 15/7/2021.

 

Hiện nay, diện tích nhãn lồng của Hưng Yên khoảng 4.800ha, trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là hơn 1.300ha. Năm nay sản lượng nhãn thu hoạch ước đạt khoảng 50.000 đến 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 khoảng 15 - 20%.

“Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” với quy mô quốc tế lớn nhất từ trước đến nay, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho quả nhãn và nông sản Hưng Yên. Hội nghị được thực hiện theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu chính từ Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên kết nối với 15 điểm cầu tỉnh, thành trong nước và gần 60 điểm cầu chính ở nước ngoài từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ba Lan, Hà Lan, Hàn Quốc... Sẽ có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài tham gia, dự kiến sẽ có gần 1.000 đại biểu tham dự từ các điểm cầu trong và ngoài nước. Hội nghị cũng sẽ có sự tham dự của các hệ thống phân phối, doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu Việt Nam và nước ngoài từ hàng trăm điểm cầu liên kết khác.

Loại hình thương mại điện tử sẽ được áp dụng rộng rãi để góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Việc tiêu thụ trái nhãn Hưng Yên trong những ngày tới hay thanh long, chôm chôm… của các tỉnh phía Nam cũng sẽ áp dụng công thức như là ngành Công Thương và NN&PTNT đã giúp cho bà con các tỉnh phía Bắc tiêu thụ trái vải vừa qua.

Tiếp sau thành công của việc xúc tiến thương mại trái vải thiều Bắc Giang, từ hơn 1 tháng qua, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã phối hợp, kết nối với các tổ chức kinh tế - thương mại nước ngoài mời các nhà nhập khẩu trái cây từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia giao dịch trực tuyến với các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Hưng Yên. Đồng thời, kết nối với các hệ thống phân phối trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử tham gia phân phối nhãn và nông sản Hưng Yên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết: “Thời gian vừa rồi, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các địa phương có những sản phẩm nông sản tới vụ như trái vải, mận, thanh long… để tiêu thụ không chỉ trong thị trường của nước mà rất quan tâm đến thị trường của các nước. Chúng tôi chủ trương là loại hình thương mại điện tử sẽ được áp dụng ngày càng rộng rãi để góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Việc tiêu thụ trái nhãn Hưng Yên trong những ngày tới hay những thanh long, chôm chôm… của các tỉnh phía Nam cũng sẽ áp dụng công thức như là ngành Công Thương và NN&PTNT đã giúp cho bà con các tỉnh phía Bắc tiêu thụ trái vải vừa qua”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao Bộ Công Thương trong công tác phối hợp với các bộ, ngành địa phương, chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông sản, trái cây, đặc biệt là xuất khẩu các loại trái cây đặc sản vào các thị trường khó tính, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA cho quả vải và bây giờ là quả nhãn lồng Hưng Yên. “Sự thành công trong xúc tiến thương mại vừa qua của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT với Bắc Giang, Hải Dương tminh chứng một điều rằng, nếu chúng ta có một chương trình thống nhất, kể cả giữa địa phương với Bộ quản lý chuyên ngành sản xuất là Bộ NN&PTNT với Bộ có chức năng xúc tiến đầu tư là Bộ Công Thương và thông qua một hệ thống chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông nữa thì sẽ có rất nhiều cách để phát triển thị trường, không bị ách tắc nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận