Ngăn ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do Covid-19

Cùng với nguyên nhiên vật liệu, nguy cơ đứt chuỗi cung ứng về lao động đã hiện hữu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới thị trường lao động.

 

Nhiều gói giải pháp khôi phục sản xuất

Đánh giá về tình hình Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường lao động hiện nay, tại Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đồng thời thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ sáng 14/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, nguy cơ đứt chuỗi cung ứng về lao động đã hiện hữu. Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… “Do tác động của những biến chủng mới đã xâm nhập vào thành trì, pháo đài quan trọng sử dụng lao động lớn là khui công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), doanh nghiệp… ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp và TP.HCM”, ông Dung dẫn chứng.

Thực hiện tốt giải pháp phòng bệnh dập dịch để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. (Ảnh: Gia Huy)Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang phải dừng làm việc. Để khống chế dịch bệnh, có thời điểm, Bắc Giang đã phải tạm dừng hoạt động 4 KCN, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, đời sống nhân dân bị đảo lộn. Sau hơn 1 tháng bị dịch Covid-19 tấn công, tới nay mới có 80.000 người lao động ở Bắc Giang đi làm trở lại. Do tác động của dịch bệnh quá lớn, nên một số chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch, số lao động được tạo việc làm mới chỉ đạt 38% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang cho biết: “Đến ngày 13/7, đã có trên 5 KCN hoạt động trở lại, trong đó có 263 doanh nghiệp đã hoạt động. Hiện còn 91 doanh nghiệp vẫn đang dừng hoạt động với khoảng 91.000 lao động chưa được đi làm trở lại. Từ 1/7, tỉnh Bắc Giang cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và có kế hoạch bắt đầu kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục sản xuất”.

Còn tại phía Nam, trong 2 tuần qua, nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vũng Tàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ không dừng lại. Lo ngại đứt gãy sản xuất, hơn 100 doanh nghiệp tại TP.HCM đăng ký vừa cách ly vừa sản xuất tại các KCX-KCN. Một số doanh nghiệp đã triển khai ngay mô hình này khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ so hàng nghìn doanh nghiệp đang lao đao vì dịch bệnh.

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%... Các lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020 đến nay như: Thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch… khiến đời sống người lao động càng khó khăn. Đáng lo ngại là biến chủng mới của dịch Covid-19 đã xâm nhập vào các KCN-KCX.

Chung lo cùng doanh nghiệp

TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Hiện có khoảng 410 doanh nghiệp được vay vốn ở ngân hàng chính sách với tổng kinh phí của thành phố là 350 tỷ đồng. Có khoảng 13.500 lao động được vay với mức lương tối thiểu 4,4 triệu đồng/một người và mỗi người được vay tối đa 3 tháng để chuỗi doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Từ ngày 9 đến 23/7 là đợt cao điểm thành phố thực hiện theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, quyết liệt thực hiện lần 2 cho số người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.

“Chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ nhưng nhận thức về mục tiêu kép cũng phải đổi mới. Việc tiến hành song song và linh hoạt cả phát triển kinh tế, phòng chống dịch ở những nơi dịch chưa tấn công, và ảnh hưởng dịch bệnh thì chúng ta phải tập trung ưu tiên phòng chống dịch nhưng đặt an toàn cho người dân là trên hết. Đồng thời, việc triển khai Nghị quyết 68 và quyết định 23 cần rất khẩn trương, nếu đơn vị chưa tiến hành thì phải khẩn trương tiến hành ngay trong tuần này”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Dung

Đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kép trong phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất trong các doanh nghiệp và các khu công nghiệp, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã thành lập nhóm zalo của các doanh nghiệp theo địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để thuận lợi trong việc hướng dẫn, chỉ đạo điều hành các doanh nghiệp; triển khai phần mềm báo cáo trực tuyến trên trang covid.bacninh.gov.vn cho các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp; hướng dẫn Thành lập Tổ an toàn Covid-19 tại các doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với hơn 72.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động do dịch Covid 19, trong đó có cả những doanh nghiệp có quy mô, nguồn vốn lớn, tác động đến 9,1 triệu lao động, hàng triệu người giãn việc, ngưng việc, khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng trầm trọng đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi trách nhiệm của tất cả các Bộ, ban, ngành, địa phương. Những địa phương chưa bị ảnh hưởng của dịch cần tập trung củng cố thị trường lao động. Những đơn vị đang bị ảnh hưởng phải có kế hoạch phục hồi sản xuất sau dịch.

Việc đóng cửa một số doanh nghiệp là trường hợp bất khả kháng, buộc phải chấp nhận để đảm bảo an toàn cho tất cả doanh nghiệp đang sản xuất còn lại. Chính phủ và các cơ quan chức năng, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt giải pháp phòng bệnh, dập dịch, duy trì ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng lao động, không để xảy ra đứt gãy sản xuất./.

Kim Thanh

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận