Hà Nội cam kết không để thiếu hàng, tăng giá

Nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội tăng cao khi giãn cách xã hội, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ và ngành công thương cam kết không để thiếu hàng, tăng giá.

 

Nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội tăng cao khi bắt đầu giãn cách xã hội, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ và ngành công thương cam kết không để thiếu hàng, tăng giá.

16 doanh nghiệp cam kết đủ hàng hóa

Sau khi thành phố Hà Nội áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24/7, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều người dân Thủ đô không còn lo lắng thiếu hàng hóa thiết yếu. Đáng chú ý là 16 doanh nghiệp bán lẻ sản xuất cam kết không để thiếu hàng, tăng giá. Thành phố Hà Nội bố trí sẵn sàng hàng nghìn địa điểm làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Các hệ thống đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị không còn hiện tượng khan hiếmhàng hóa thực phẩm so với ngày đầu thực hiện giãn cách. Các kệ, quầy đầy ắp hàng hóa với nhiều mặt hàng phong phú, trong đó các khu vực bán rau xanh và thịt bò, lợn thu hút đông người dân đến mua. Lượng hàng hóa cung ứng luôn đầy đủ tại các thời điểm trong ngày, nhiều mặt hàng như: rau quả, thịt, tôm, cá… đều tươi ngon, giá cả ổn định. Một người dân mua hàng chia sẻ: “Vào siêu thị tôi thấy mọi mặt hàng thiết yếu dồi dào, tươi ngon và giá cả như bình thường nên không có ý định tích trữ nhiều, chỉ mua đủ dùng trong tuần”.

hệ thống của Vinmart, Co.opmart, Mega Market, Big C… đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời gian hoạt động. Hệ thống cửa hàng Big C khu vực Hà Nội đã tăng cường lượng lớn hàng hoá dự trữ từ 30 - 50%, thậm chí có những mặt hàng dự trữ tăng 100%, sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao của khách hàng.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành khối cửa hàng Big C khu vực Hà Nội cho biết, với mặt hàng tươi sống, Big C đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên từ 200 - 300% so với thông thường. “Khi có thông tin về thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị mới, lượng đặt hàng tươi sống của chúng tôi đã tăng 3 - 4 lần so với ngày thường. Còn trong trường hợp nhu cầu tăng quá cao trong một thời điểm thì ngày hôm sau, khách hàng đều có thể có hàng của các đơn hàng tiếp theo. Do vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm và không nhất thiết phải mua tích trữ quá nhiều”, ông Phong chia sẻ.

Còn tại các cửa hàng tiện ích, người dân mua sắm đông hơn nhưng không có tình trạng khan hàng. Hầu hết các cửa hàng đã có kế hoạch tăng dự trữ từ 30 - 50% lượng hàng hóa thiết yếu.

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng thực phẩm trên phố Mai Dịch, Cầu Giấy cho biết: “Các mặt hàng như mắm, muối trứng, gạo, mì tôm… cũng bán được nhiều hơnso với mấy hôm trước. Ai cũng có tâm lý lo sợ, nhưng nghĩ Nhà nước không để cho dân đói, nên họ cũng bình tâm hơn. Với các thực phẩm thiết yếunhư gạo, mắm, muối… chúng tôi vẫn đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng”.

Thực phẩm luôn tươi ngon tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố đã tăng mức dự trữ từ 3 - 5 lần. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng, với 17 nhóm hàng thiết yếu. Sở Công Thương cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng hóa ước tính gần 6.000 tỷ đồng.

Ngành công thương cam kết không thiếu hàng

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Trong bất kỳ tình huống nào cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng là cam kết của các đơn vị phân phối đối với ngành công thương Hà Nội.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail cho biết, công ty đã có kịch bản ở từng địa điểm, các hệ thống siêu thị để đáp ứng nhu cầu, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. “Chúng tôi đang xây dựng kịch bản tập trung vào những nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, với lượng hàng hóa tăng khoảng 300%. Tại kho chúng tôi cũng có những mặt hàng tăng gấp 10 lần lượng hàng để đảm bảo được sự chủ động trong việc cung cấp hàng hóa cho bà con mua sắm. Chúng tôi đã có những kế hoạch đặt những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với các nhà sản xuất, và được nhà cung cấp cam kết dành riêng cho hệ thống Hapro Food, BRG Mart. Hàng hóa tương đối phong phú và đặc biệt là giá cả bình ổn, người dân yên tâm mua sắm”, ông Dũng nói.

Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố đã tăng mức dự trữ từ 3 - 5 lần. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng, với 17 nhóm hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng hóa ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết, sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối đưa hàng hóa đến 7.500 điểm phục vụ nhân dân./.

Nguyễn Hằng

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận