Xác định sống chung với dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, các chuyên gia, lãnh đạo ngành du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch bắt đầu tính toán lộ trình dài hơi hơn và có trọng tâm, trọng điểm để xốc lại, phục hồi và phát triển sau đại dịch, trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp là vấn đề cốt lõi.
Sản phẩm xanh và giá trị văn hóa bản địa
Sau khi tình hình dịch Covid-19 tạm thời được khống chế, các “vùng xanh” được nhân rộng và bảo vệ an toàn, nhiều nơi đã bắt đầu tái khởi động hoạt động du lịch với các sản phẩm mới, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã và đang định hình lại sản phẩm du lịch theo hướng xanh, gần gũi với thiên nhiên và gắn với văn hóa vùng miền...
Nhiều chuyên gia nhận định, muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, muốn lượng du khách quốc tế và nội địa tăng trưởng mạnh, cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao. Bản sắc văn hoá độc đáo của mỗi địa phương sẽ là “chìa khóa” giúp du lịch Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 chinh phục du khách.
Công ty Lữ hành Saigontourist vừa tổ chức thành công đoàn 50 du khách thương mại đầu tiên trong trạng thái “bình thường mới” tham quan tuyến đường sông Bạch Đằng đi Cần Giờ bằng tàu cao tốc Greenlines. Đây là sản phẩm được làm mới hoàn toàn, mang đặc trưng riêng, dựa trên thế mạnh và tiềm năng du lịch đường thủy của thành phố. Đại diện đơn vị tổ chức tour cho biết, dù mới giới thiệu ra thị trường nhưng lượng khách liên hệ tư vấn, đăng ký tour khả quan. Lịch khởi hành đoàn tiếp theo dự kiến vào đầu tháng 11, phục vụ khách cá nhân, gia đình, nhóm nhỏ… Tham gia tour, du khách được thưởng thức cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn dọc theo các quận 1, 4, 7 về hướng huyện Cần Giờ; trải nghiệm cảnh đẹp ở xã đảo Thạnh An, Thiềng Liềng, khu du lịch sinh thái Vàm Sát, khu bảo tồn chim, dơi nghệ…; trải nghiệm câu cua, câu cá sấu và thưởng thức các đặc sản hấp dẫn riêng có của địa phương.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh, thương hiệu du lịch, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển theo. Với những thế mạnh về tài nguyên và các nguồn lực khác, sản phẩm du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa chính là mạch nguồn cho phát triển du lịch giai đoạn tới.
Khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng được số đông lựa chọn và nhu cầu này là thế mạnh của văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. Đặc biệt, lợi thế văn hóa ẩm thực phong phú, hấp dẫn, sẽ giúp hệ thống sản phẩm của du lịch trong nước chinh phục cả những du khách khó tính.
Đáng tiếc ở Việt Nam, sản phẩm du lịch gắn với loại hình biểu diễn văn hóa nghệ thuật chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, như: Rối nước Thăng Long, Ấn tượng Hội An, Tinh hoa Bắc bộ, À ố show, múa cung đình Huế, Du ca đất Việt Nam, Làng tôi...
Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa, lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển xanh trong giai đoạn mới.
Du lịch chăm sóc sức khỏe là xu hướng
Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe (CSSK) có xu hướng phát triển sau dịch Covid-19. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm này nhưng chưa thực sự được khai thác, phát huy tương xứng. Việc khai thác tiềm năng du lịch CSSK là bài toán đặt ra cho ngành du lịch, cho lĩnh vực du lịch y tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong đó nhu cầu nghỉ dưỡng, CSSK được ưu tiên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, cho biết, Hiệp hội Du lịch CSSK thế giới đã đưa ra 7 xu hướng của du lịch CSSK trong thời gian tới, đặc biệt từ sau khi diễn ra đại dịch Covid-19. Ngành du lịch Việt Nam cần xem xét, nhận diện các xu hướng này, sớm đưa ra những sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong giai đoạn tiếp theo.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu Covid-19. Còn theo Global Wellness Institute (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022. Xu hướng du lịch hậu Covid-19 sẽ không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm văn hoá. Mục đích cốt lõi của du lịch chính là chăm sóc sức khỏe, phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần.
Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch CSSK, với bờ biển dài 3.260km, nhiều bãi tắm biển đẹp và thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Cả nước có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai. Những địa điểm có nguồn nước khoáng nóng này đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc, nền Đông y phát triển lâu đời...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định, việc khai thác các tài nguyên để phát triển du lịch CSSK ở Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch CSSK còn ít, chưa đa dạng. Chúng ta chưa có nhiều các cơ sở dịch vụ CSSK đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch CSSK như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
“Bên cạnh đó, mặc dù có hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng, song, chúng ta vẫn chưa khai thác tốt để phát triển loại hình du lịch CSSK. Để thu hút khách du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần có định hướng và giải pháp phát triển phù hợp cho sản phẩm du lịch này...”, bà Hương cho biết./.
Du lịch Việt Nam “bội thu” với trên 30 giải thưởng hàng đầu châu Á năm 2021
Trong danh sách các hạng mục được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 28 khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức World Travel Awards (WTA), du lịch Việt Nam vinh dự được gọi tên tại trên 30 giải thưởng khác nhau, trong đó có những giải thưởng quan trọng như: “Điểm đến hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Destination 2021); “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Sustainable Tourism Destination 2021); “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Tourist Board 2021); Vịnh Hạ Long là “Điểm tham quan hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Tourist Attraction 2021); Thành phố Hội An chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Cultural City Destination 2021); Vườn quốc gia Cúc Phương được trao giải “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading National Park 2021)…
Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam cũng “bội thu” với hàng loạt giải thưởng danh giá: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đoạt giải “Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Green Resort 2021); InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort đạt danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng gia đình sang trọng hàng đầu châu Á”; Khách sạn Hotel de la Coupole - Mgallery (Sa Pa, Lào Cai) được vinh danh “Khách sạn có thiết kế hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Design Hotel 2021) và “Khách sạn phong cách hàng đầu châu Á 2021” (Asia’s Leading Lifestyle Hotel 2021); Sun World Ba Na Hills đạt giải thưởng “Công viên chủ đề hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading Theme Park 2021)...
|