Xu hướng mua bán sáp nhập BĐS thay đổi về chất

M&A góp phần thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp tái hoạt động, giúp doanh nghiệp nội và ngoại cùng tận dụng được các lợi thế sẵn có của nhau để phát triển.

 

Doanh nghiệp trong nước ngày càng chủ động với vai trò bên mua trong các thương vụ mua bán - sáp nhập bất động sản. Diễn biến trong nhiều năm qua cho thấy, hoạt động này đi vào thực chất hơn và khẳng định những lợi thế rõ ràng của các bên tham gia vào phát triển thị trường tiềm năng này.

Trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, tính chất các thương vụ mua bán, sáp nhập M&A đang có sự thay đổi, từ thâu tóm, thao túng chuyển dần sang hợp tác cùng có lợi. Trong đó, câu chuyện chuỗi giá trị được đề cập ngày càng nhiều. Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều hơn các tập đoàn đa ngành, có hệ sinh thái dần hoàn chỉnh dựa trên những lĩnh vực cốt lõi, có uy tín thương hiệu và kinh nghiệm thị trường sâu sắc. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TGĐ CTCP BĐS Đại Phúc Land, nhận định: “Với hơn 50 thương vụ giao dịch M&A thành công trong 3 năm qua là rất lớn. Giá trị trên 100 triệu đô không phải là nhỏ. Lĩnh vực BĐS, tài chính ngân hàng diễn ra mạnh mẽ nhất. Đây chính là để các doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động đầu tư của mình”.

M&A góp phần thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp phát triển. Nhận định về xu hướng M&A, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho rằng, M&A trong lĩnh vực bất động sản những năm qua diễn ra sôi động. Trước đây, các nhà phát triển bất động sản trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án theo cách “làm tất ăn cả”. Còn các thương vụ M&A chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các nhà phát triển dự án trong nước. Tuy nhiên, khi quy mô thị trường lớn hơn, tiềm lực của các doanh nghiệp bất động sản trong nước mạnh hơn, thì M&A là cách nhanh chóng để doanh nghiệp nội mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của hoạt động mua bán sáp nhập dự án đối với các doanh nghiệp phát triển BĐS. Một nguyên lý quan trọng là trong khi các doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn hơn, thì hoạt động M&A được cho là phù hợp nhất. Do vậy, các giao dịch M&A mang tính chất hợp tác, nhà đầu tư Việt Nam có thể giữ lại 15 - 20%, tùy vào tiềm lực thực tế. Trong xu hướng quan tâm đến các dự án bất động sản của Việt Nam, những năm gầy đây, nhiều chủ đầu tư nhìn thấy cơ hội thị trường nên tích cực tìm kiếm các thương vụ M&A. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới vì đây là thị trường rộng lớn và cần có sự hợp tác. Mục tiêu là các doanh nghiệp lớn thực hiện hoạt động này để tái khởi động các dự án mới và hoàn thiện các dự án dở dang. Ông Vũ Cương Quyết, TGĐ Công ty CP Đất Xanh Miền Bắc, phân tích: “Việc M&A giúp cho hoạt động thu hút đầu tư. Tôi cho rằng, đây là cơ hội mở. Quan trọng là phải đánh giá kỹ lưỡng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là tiềm lực về tài chính cũng như thế mạnh cốt lõi của họ khi đầu tư tại Việt Nam là gì”.

Hoạt động M&A không chỉ là “phép cộng” tổng tài sản đơn thuần, mà quan trọng là tạo nên chuỗi liên kết, hợp tác. Gần đây, xu hướng tích cực là hoạt động M&A diễn ra nhiều hơn giữa các doanh nghiệp Việt. Đây là giải pháp tăng sức mạnh doanh nghiệp, tạo nên các đột biến. Dự báo, giai đoạn tới sẽ có sự bùng nổ từ phía doanh nghiệp nội trong việc cấu trúc lại doanh nghiệp thông qua phương thức M&A. Khối nội cũng có sự chuyển mình khi tham gia cả hoạt động M&A ở thị trường nước ngoài. Điều này rất quan trọng với Việt Nam nói chung. M&A tạo ra những thực thể kinh tế mạnh hơn, tạo nên khả năng cạnh tranh mạnh hơn.

Đáng chú ý về tiềm năng thị trường M&A trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở phân khúc này, nhận định chung của các chuyên gia kinh tế là lĩnh vực bất động sản công nghiệp đang chuyển mình nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam. Trong đó, M&A góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp tái hoạt động, giúp doanh nghiệp nội và ngoại cùng tận dụng được các lợi thế sẵn có của nhau để phát triển./.

Hà Linh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận