Kiên Giang: Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải gặp khó

Các doanh nghiệp vận tải hành khách tại tỉnh Kiên Giang đang phải đối mặt với khó khăn kép khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trong vòng 8 năm qua.

 

Chưa kịp phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hành khách tại tỉnh Kiên Giang lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn kép khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục trong vòng 8 năm qua.

Với giá xăng dầu ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay, các doanh nghiệp liên tiếp phải bù lỗ, không biết cầm cự được đến khi nào.Anh Trần Văn Phương- chủ một xe buýt chạy tuyến từ Giồng Riềng về Rạch Giá cho biết, sau khi tỉnh có chủ trương cho phương tiện vận tải hành khách hoạt động trở lại, kể từ tháng 11/2021 đến nay, mỗi ngày xe của anh chỉ chạy cầm chừng 1 lượt đi và về, giảm 2 lượt so với thời điểm trước dịch. Số lượng khách đi xe cũng giảm đến 70%. Những ngày qua, chưa kịp phấn khởi vì khách đi xe tăng trở lại, thì đã phải gặp cảnh xăng dầu tăng giá. Riêng tiền dầu 1 lượt đã tốn đến 250.000 đồng, cộng thêm tiền công cho lơ xe và tài xế, anh Phương chỉ mong hòa vốn chứ không dám nghĩ tới chuyện có lãi.“Giá dầu tăng lên quá cao, xe hoạt động nhưng không có doanh thu. Trước đây, xe chạy 1 tài thì tiền lời ít nhất chúng tôi cũng thu về 200.000 đồng, còn bây giờ hoặc huề, hoặc là lỗ”, anh Phương chia sẻ.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động cầm chừng, không có lãi do xăng dầu tăng giá quá cao.

Kể từ ngày 11/2 đến nay, giá xăng dầu tăng cao ở mức tăng kỷ lục trong vòng 8 năm qua và chỉ cách mốc tăng lịch sử khoảng 1.000 đồng. Điều này đang trực tiếp “bức tử” các doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải hành khách vốn đang hết sức khó khăn và chưa thể phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.Ông Lê Minh Thể, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Rạch Giá cho biết, đơn vị hiện quản lý 89 phương tiện tuyến cố định và 130 phương tiện hợp đồng. Đến nay, các tuyến đường dài liên tỉnh rất vắng khách, còn nội tỉnh thì chỉ hoạt động cầm chừng, lượng khách cao điểm mới được hơn 50% số ghế. Thống kê hoạt động của đơn vị giảm mạnh ở cả 3 mặt: số phương tiện hoạt động, số khách và doanh thu. Cộng thêm việc xăng dầu tăng giá, ông Thể khẳng định, hoạt động vận tải hành khách hiện nay gần như toàn bộ đều lâm vào cảnh bù lỗ hàng ngày.

“Giá xăng dầu hiện tăng 25% so với giá nhiên liệu trước đó đơn vị xây dựng giá vé, ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị do lượng khách hiện nay không có nên không thể bù đắp được chi phí hoạt động của mỗi chuyến xe hằng ngày. Lúc này các tuyến cố định của đơn vị hoạt động cầm chừng từ lỗ đến huề”, ông Thể bày tỏ.

Giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn.

Trước đây, giá xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động vận tải, thì nay sau khi tăng giá đã chiếm đến 50% tổng chi phí. Ông Tô Hoàng Tâm, chủ xe khách tuyến Rạch Giá - Hà Tiên, một trong những tuyến đông khách nhất hiện nay đang hết sức lo lắng bởi vì kể từ gần 3 năm nay, tuyến Rạch Giá - Hà Tiên vẫn duy trì 45.000 đồng/vé. Đây là mức giá tính theo thời điểm giá xăng dầu chỉ khoảng 16.000 đồng/lít. Hiện tại, bình quân một chuyến, ông Tâm phải bỏ thêm 150.000 đồng tiền dầu, nếu cứ giữ nguyên giá vé, thì mỗi ngày ông bù lỗ không dưới 500.000 đồng.“Trước đây, giá dầu 14.000 -15.000 đồng, giá vé cũng 45.000 đồng. Bây giờ giá dầu lên tới hơn 20.000 đồng, giá vé cũng 45.000 đồng, trong khi số lượng khách ngày càng giảm, thì chúng tôi chạy xe sẽ không sống nổi”, ông Tâm cho hay.

Hiện nay, các đơn vị vận tải đang tính toán phương án trình Sở Giao thông Vận tải xem xét tăng giá vé trên các tuyến. Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Rạch Giá dự kiến sẽ giảm thêm lệ phí cho thành viên. Không riêng mảng vận tải hành khách, vận tải hàng hóa dự kiến cũng sẽ phải tăng chi phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu. Điều này về lâu dài sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm tăng giá các mặt hàng sinh hoạt và nhu yếu phẩm phục vụ đời sống./.

Lam Hiếu

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận