Hàng hóa thiết yếu thiết lập mặt bằng giá mới
Sau 7 lần liên tục leo thang kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử; trong đó, xăng RON 95 tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Đây cũng chính là cú "đánh bồi" khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng giá, thiết lập mặt bằng giá mới.
Tính toán lại chi tiêu của gia đình trong một tuần qua, chị Nguyễn Thu Thảo (ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ tiền đổ xăng, đi chợ hàng ngày, đến các dịch vụ khác đều tăng giá.
"Bình thường, tôi đi đổ xăng, 100.000 đồng/bình để đi trong tuần, giờ phải mất 130.000 đồng. Đi chợ thì các loại rau xanh, thịt lợn, bò, tôm, cá, dầu ăn, đường, mắm... đều tăng. Đồ ăn sáng cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/phần. Chỉ tính riêng các chi phí cơ bản, mỗi tuần tôi phải chi thêm khoảng 450.000-500.000 đồng trong khi thu nhập vẫn vậy. Dù tôi đã cố co kéo chi tiêu nhưng thấy khá áp lực", chị Thảo cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử VOV, từ ngày 1/3 đến nay, nhiều sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã áp dụng tăng giá bán. Cụ thể, giá gas bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 42.000 đồng/bình 12kg. Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đang ở mức 480.000 - 520.000 đồng/bình 12kg (tùy loại).
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể như: cà chua từ 10.000 đồng/kg lên 15.000-20.000 đồng/kg; dứa quả từ 7.000 đồng/quả lên 10.000 đồng/quả; bắp cải từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ. Các loại rau khác như: rau ngót, cải canh trước đây được bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/mớ, nay tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/mớ.
Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ. Hiện, thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; sườn từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg; nạc mông từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; thịt sấn từ 100.000 đồng/kg tăng lên 110.000 đồng. Gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg.
Từ 1/2, thuế giá trị gia tăng (VAT) một số mặt hàng đang chịu mức 10% được giảm về 8%. Tuy nhiên, chưa kịp cảm nhận thuế VAT được giảm 2 điểm %, người tiêu dùng lại thấy giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tăng vọt hàng chục %.
“Nghe báo đài nói là giảm thuế VAT, cứ tưởng giảm thuế thì giá hàng hóa tiêu dùng sẽ rẻ đi nhưng tôi thấy đường, sữa, dầu ăn, mỳ tôm... cái gì cũng tăng giá tầm 10-20% so với đầu năm", chị Hoàng Hà, ở Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.
Không riêng khách mua, người bán hàng cũng thấy bất ngờ với mặt bằng giá hiện nay. Bà Phạm Thị Thìn, chủ cửa hàng tạp hóa ở Minh Khai, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, mối buôn liên tục báo tăng giá. Mì tôm Omachi đợt đầu năm nhập vào là 180.000 đồng/thùng giờ tăng lên 200.000 đồng/thùng; dầu ăn đậu nành từ 600.000 lên 630.000 đồng/thùng 6 chai 2lít, cháo Gấu đỏ từ 140.000 đồng lên 150.000 đồng/thùng; dầu ăn Neptune từ 612.000 đồng/thùng 6 chai 2lít lên 630.000 đồng/thùng; các loại bia cũng tăng khoảng 10% so với đầu năm.
“Họ bảo do xăng dầu tăng giá nên giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bán cũng tăng. Mà giá chưa dừng lại đâu, hôm qua bên tổng đại lý đã thông báo đợt nhập tới giá sẽ tiếp tục tăng vì các nhà sản xuất nói sẽ tăng giá tiếp. Giá nhập vào tăng nên buộc phải điều chỉnh giá bán ra nếu không sẽ không có lãi chứ thực sự tôi cũng không muốn tăng giá, vì giá tăng thì bán chậm lắm vì giá cao mà thu nhập người ta chỉ có thế nên nhiều người phải cắt giảm chi tiêu”, bà Thìn cho hay.
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Giá xăng, gas tăng cao; giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng không “giảm nhiệt” kéo dài khiến người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng của giá xăng không nhanh và cao như tốc độ tăng giá của hàng hóa, do vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường để xử lý tình trạng tăng giá theo kiểu “té nước theo... xăng”.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ cho biết, hiện tại, mặt bằng giá cả hàng hóa rục rịch tăng từ 5% - 30%, cả tăng ngầm lẫn công khai, từ đó, đánh vào túi tiền của người dân, nhất các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, rau quả, thuốc chữa bệnh…
“Tiền lương nhiều người lao động vốn đã thấp lại chỉ nhích vài phần trăm trong khi giá cả trượt giá kinh khủng, đã dồn áp lực lên người lao động, đặc biệt là cộng đồng thu nhập thấp. Người dân cầm 500.000 đồng đi chợ như cầm "viên đá lạnh" trong tay, tan rất nhanh”, ông Phú ví von.
Theo ông Phú, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định, do hầu hết đều đã có những ràng buộc hợp đồng với nhà cung cấp. Dự kiến đầu quý II/2022, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp, và buộc phải tăng giá từ 5 - 7%. Mặt khác, giá hàng hóa không thể đuổi theo giá xăng dầu vì nếu tăng quá cao sẽ khiến khách hàng “bỏ chạy” không tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp phải linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian qua đó giữ giá bán sản phẩm.
“Các ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường, trong đó, cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư đông người. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu xuống, với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng hóa tăng giá”, ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tuy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng phần nào tới giá cả các mặt hàng, nhưng phân tích kỹ có thể thấy tác động không quá lớn như thực tế đang diễn ra. Tốc độ tăng của giá xăng không cao và nhanh như tốc độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa.
“Sự lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”. Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường”, TS Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến./.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN