Thị trường du lịch: Trong 'nóng' ngoài 'lạnh'

Thị trường du lịch nội địa đang 'nóng' dần lên khi lượng đặt phòng, vé máy bay tăng đột biến. Tuy nhiên, du lịch quốc tế vẫn là những con số nuôi hy vọng.

 

Thị trường du lịch nội địa đang “nóng” dần lên khi ghi nhận lượng đặt phòng, vé máy bay cho dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 và các tour du lịch hè tăng đột biến. Tuy nhiên, du lịch quốc tế, đặc biệt là thị trường khách đến Việt Nam thì vẫn chỉ là những con số nuôi hy vọng sẽ ấm lên sau mở cửa.

“Nóng” thị trường du lịch nội địa

Lướt qua các trang booking, các diễn đàn du lịch vào thời điển hiện tại, những người có nhu cầu du lịch sẽ choáng váng với hàng loạt tour, gói sản phẩm du lịch, các chương trình khuyến mãi, giảm giá được chào bán với đủ mức từ bình dân cho đến trung, cao cấp. Đặc biệt là các gói sản phẩm combo theo nhóm nhỏ vào ngày nghỉ lễ và mùa du lịch hè sắp tới.

Đại diện Ecosea Travel cho biết, vì có một loạt kỳ nghỉ lễ dài ngày như Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5, nên những ngày gần đây lượng khách đặt cọc tour du lịch, nghỉ dưỡng theo nhóm nhỏ và gia đình dạng combo tăng mạnh, đạt 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2021.

“Khách đặt tour tập trung ở các khu nghỉ dưỡng lớn, các khu vực biển Hạ Long, Cát Bà, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Tính chất là các tour nghỉ dưỡng gia đình, đặt theo combo chỉ phòng khách sạn hoặc khách sạn và vé máy bay”, ông Nguyễn Văn Tài, CEO Vietsense travel cho hay.

Thị trường du lịch đang “nóng” dần, đặc biệt là gói sản phẩm combo theo nhóm nhỏ vào kỳ nghỉ hè sắp tới.

Một đại lý du lịch chia sẻ, mặc dù lượng đặt tour tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, nhưng so với giai đoạn trước dịch Covid-19 thì vẫn chỉ đạt khoảng 30%. Một trong những lý do khiến lượng khách hàng tìm kiếm thông tin tour cao nhưng chốt cọc chưa như kỳ vọng bởi nhu cầu du lịch và đi lại tăng đột biến khiến giá vé máy bay tăng hơn, giá tour bởi vậy cao hơn những năm trước. Cùng với đó là bối cảnh bình thường mới nhưng các địa phương vẫn có những yêu cầu đặc thù đảm bảo an toàn chống dịch. Các đại lý du lịch cũng đang hỗ trợ khách hàng vượt qua những vướng mắc này, đồng thời cập nhật thông tin về các quy định chống dịch để du khách có kế hoạch chủ động. Tuy nhiên, họ cũng khuyến nghị khách hàng nếu có phát sinh nào liên quan sức khoẻ, thay đổi lịch trình cần báo sớm để tránh rủi ro cho khách hàng và các đại lý.

CEO Nguyễn Văn Tài cảnh báo, tinh thần của những người làm du lịch đang lên cao khi xã hội trở lại sinh hoạt bình thường, và một số sự kiện mở cửa, mở đường bay, xúc tiến… làm cho nhiều doanh nghiệp du lịch đang yếu ớt bỗng vươn mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, đó có thực sự là bản chất, là nội lực hay chỉ là liều thuốc ngủ cho một cơ thể mệt mỏi? Các con số thống kê của ngành, của địa phương và thậm chí là cả từ miệng những ông chủ thổi phồng nhu cầu thị trường về sự hồi phục sẽ khiến người làm du lịch hừng hực đổ những đồng tiền cuối cùng, những giọt máu cạn kiệt vào nhân sự, vào marketing với hội chứng đám đông. Chính các doanh nghiệp du lịch đang tự đẩy sự cạnh tranh lên, tự làm thị trường nóng lên trong khi nhu cầu chưa kiểm chứng được.

“Lạnh” thị trường nước ngoài

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3/2022 tăng 41,4% so tháng trước và gấp 2,2 lần so cùng kỳ năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch, nhiều đường bay quốc tế được khôi phục.

Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều như kỳ vọng là bởi hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách.

Tuy nhiên, trao đổi với nhiều doanh nghiệp chuyên thị trường du lịch quốc tế (cả inbound và outbound) thì đều nhận được câu trả lời khá giống nhau là: “Đã có khách đâu, hiện chỉ đang confirm với các đối tác, chào bán tour cho khoảng từ tháng 9 - 10 và cũng chưa có dấu hiệu khả quan”.

Nói về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 năm 2022, ông Nguyễn Xuân Tráng, Giám đốc MPV tour, doanh nghiệp chuyên inbound khách thị trường Pháp và châu Âu, chia sẻ: Đã có những đoàn khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước dịch Covid-19 thì chỉ là con số rất nhỏ, chưa đáng kể gì. Thị trường Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đang chịu ảnh hưởng của suy thoái và khủng hoảng, đồng tiền mất giá do cuộc chiến Nga - Ukraine khiến nhu cầu đi du lịch ngoài châu Âu giảm mạnh, họ ưu tiên các tour ngắn và gần. Hiện các đối tác của MPV tour tại châu Âu cũng mới lác đác chào bán các tour cho mùa cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12.

Cùng chung ý kiến, đại diện Ecosea Travel, bà Bùi Nhàn chia sẻ: Thực tế đã có nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua. Đây là một tín hiệu tốt, khẳng định việc mở cửa đón khách quốc tế là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, lượng khách thời điểm hiện tại mới mang tính khích lệ, giúp các doanh nghiệp có niềm tin, hy vọng tương lai thị trường khách quốc tế sẽ “ấm” lên.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL lý giải nguyên nhân khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều như kỳ vọng là bởi hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách (nơi gửi khách và nơi đón khách). Dịch Covid-19 khiến hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn, đứt gẫy. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại.

Việc đón khách quốc tế cũng có điểm khó như luồng khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%. Nhiều quốc gia hiện nay đang có những chính sách chống dịch khá chặt chẽ, như Trung Quốc với chính sách “zero Covid”, Hàn Quốc khi trở về nước phải cách ly tới 7 ngày. Điều này làm cho khách e ngại khi đi du lịch.../.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận