Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản Việt

Bộ Công Thương đã nỗ lực triển khai hàng loạt các hoạt động để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

 

Thời gian qua, dù ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Bộ Công Thương đã nỗ lực triển khai hàng loạt các hoạt động để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Những thách thức rủi ro

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ngay trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản đã tăng trưởng ở mức rất cao, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK), với tổng trị giá ước đạt 7,27 tỷ USD, trong đó, hầu hết các mặt hàng nông sản đều có tăng trưởng cao. Chính nhờ việc coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đầu tư, ứng dụng công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nhiều thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện để nông sản Việt có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính, cho giá trị gia tăng cao.

Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm nông sản XK quý đầu năm được Bộ Công Thương điểm danh, như: cà phê tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch XK do giá XK cà phê tăng cao; hạt tiêu mặc dù giảm 11,5% về lượng nhưng do giá XK tăng nên tăng 40,8% về kim ngạch XK; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm về sắn mặc dù giảm 0,6% về lượng nhưng tăng 15,5% về kim ngạch XK...

Xoài của tỉnh Sơn La đủ yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Trấn Long/VOV-Tây Bắc)

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, mặc dù hoạt động XK nông sản đang được đánh giá rất tốt, song vẫn tiềm ẩn những thách thức, rủi ro ở một số nhóm hàng, trong một số thời điểm. Cụ thể, ngay trong những tháng đầu năm, mặt hàng rau quả, trái cây XK sang thị trường Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn. Để có thể khai thác tối đa thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ, khơi thông các ách tắc này: “Thứ nhất, Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chuyển xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Thứ hai, Bộ cũng đã thành lập một Ban chỉ đạo giải quyết các vụ ùn tắc ở biên giới. Thứ ba là phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong việc đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc làm sao có thể gia tăng số lượng các mặt hàng trái cây có thể XK trong thời gian tới...”, ông Hải cho hay.

Việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận cũng đã được Bộ Công Thương triển khai nhằm giảm ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới đường bộ. Nhờ đó, việc XK sang Trung Quốc thời gian gần đây đã tận dụng các tuyến đường biển, đường sắt. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng và các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp XK nông sản nói chung và XK nông sản sang Trung Quốc nói riêng, trong đó có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp, từ việc tìm thị trường, tìm bạn hàng, những điều cần lưu ý khi tham gia vào hoạt động XK cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Cùng với cuốn “cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp chuyển sang XK chính ngạch” thì “Bản đồ nông sản Việt Nam” cũng đang được Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện để ban hành.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết:“Bản đồ nông sản Việt Nam sẽ là một thông tin chính thức giới thiệu cho khách hàng tiềm năng về sản phẩm nông sản của từng địa phương…”.

Nhiều loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam được quảng bá trên Hệ thống siêu thị của Aeon (Nhật Bản).

Tạo điều kiện để nông sản Việt vào các thị trường khó tính

Xác định tiềm năng XK nông sản vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP là rất lớn, vì thế, Bộ Công Thương đã huy động hệ thống thương vụ nhằm giúp đẩy mạnh mở rộng thị trường XK nông sản. Bên cạnh những thị trường tiêu thụ chủ lực các mặt hàng nông sản là Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU thì hệ thống thương vụ ở khu vực Mỹ La Tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á… cũng được huy động để tham gia tìm kiếm thị trường và hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, địa phương kết nối.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, song, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; tổ chức các hội nghị giao thương cho các mặt hàng, nhóm mặt hàng (nông sản mùa vụ) cụ thể với các thị trường tiềm năng; triển khai hàng loạt các chương trình hỗ trợ đưa nông sản vào tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế…

ảnh minh họa: KT“Một trong những biện pháp hiệu quả đó là áp dụng kỹ thuật số cũng như thương mại điện tử, bán hàng online khi chúng ta đã kết nối với rất nhiều “người khổng lồ”. Ví dụ như Amazon Global Selling Bộ Công Thương đã ký hợp tác và kết nối, hỗ trợ cho DNVN để tiêu thụ sản phẩm… Do dịch bệnh chúng ta bắt buộc phải tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu online, nhưng kể cả khi hết dịch thì chắc chắn đây cũng là xu hướng chúng ta cần tuân theo…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Công Thương cho ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR) nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN về tăng cường minh bạch hóa chính sách, tạo thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về chính sách thương mại của các nước trong khu vực, từ đó chủ động xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng được coi là kênh thông tin về hoạt động thương mại nói chung, trong đó có xuất nhập khẩu nông sản./.

Nhờ coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đầu tư, ứng dụng công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nhiều thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện để nông sản Việt có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính, cho giá trị gia tăng cao.

Nguyên Long

 

Bình luận

    Chưa có bình luận