Cà phê nhượng quyền giá rẻ đang phủ sóng rộng khắp không chỉ giúp người dân khởi nghiệp bền vững mà để các hãng cà phê phát triển thương hiệu.
Đa dạng các gói “nhượng quyền 0 đồng”
Dạo quanh các tuyến đường tại TP.HCM, không khó để nhận ra sau dịch Covid-19, một trong những hình ảnh thể hiện sự "hồi sinh" của TP chính là việc xuất hiện nhiều quán cà phê mới. Đây phần lớn là các quán cà phê nhượng quyền. Quán không to nhưng đa phần là ngay khi khai trương thì đều làm ăn phát đạt, khách đông… bởi đã quen với thương hiệu cà phê của quán.
Điểm chung của các “ông chủ bà chủ” các quán này là đều rất trẻ, năng động, tuy không có nhiều vốn nhưng vẫn muốn thử thách khởi nghiệp. Và các gói “nhượng quyền 0 đồng” đã giúp các bạn thoả ước mơ. Đó là được làm chủ dù vốn đầu tư không quá cao và không tốn quá nhiều thời gian cũng như kinh nghiệm cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường cà phê. Ngoài ra, việc chọn một mô hình cà phê nhượng quyền phù hợp cũng giúp quán cà phê nhanh chóng có được chỗ đứng, có lượng khách nhất định bởi “thương hiệu đã được thẩm định và không phải mất công tìm hiểu quá kỹ về thị trường cũng như cách thức vận hành quán”, như lời của anh Khánh, một chủ quán cà phê nhượng quyền nhỏ ở Bình Thạnh.
Hiện nay, các gói nhượng quyền tại TP.HCM khá đa dạng, nhiều mức giá để lựa chọn. Tiêu biểu như Trung Nguyên e-coffee có gói từ 65 đến 175 triệu đồng; Rovina Coffee từ 68 đến 700 triệu đồng, Napoli Coffee từ 70 - 350 triệu đồng, Cà phê Ông Bầu có mô hình cố định với mức đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho quán có diện tích từ 70-220m2 hoặc khoảng 100 triệu đồng với quầy bar di động…
Điểm chung của các mô hình này là “nhượng quyền 0 đồng” và không chia sẻ % lợi nhuận hàng tháng trong thời gian đầu. Tức là các đơn vị này không thu phí sử dụng thương hiệu và hỗ trợ trọn gói từ nhận diện thương hiệu, đồng phục, đào tạo pha chế, vận hành… Các công ty thu lợi nhuận từ việc setup quán, bán sản phẩm hạt cà phê rang thô hoặc đóng gói. Với các doanh nghiệp, việc đẩy mạnh mô hình nhượng quyền là cách để khuếch trương thương hiệu và giúp cho hệ sinh thái cà phê ở Việt Nam vươn tầm, giúp thương hiệu cà phê Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo đánh giá, hiện nay sự cạnh tranh giữa các hãng là rất khốc liệt nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp luôn luôn đổi mới, không chỉ giúp người dân khởi nghiệp mà còn cải thiện hình ảnh “văn hoá uống cà phê”.
Cà phê nhượng quyền có sức sống bền bỉ
Ngoài việc nhượng quyền thương hiệu để làm quán, một số hãng còn tiến gần hơn đến khách hàng với việc “xuống đường”. Đó là những chiếc xe bán cà phê nhỏ gọn, mỗi xe chỉ có 1 - 2 nhân viên, có đồng phục, nhanh chóng phục vụ cho khách mang đi. Điểm mạnh của mô hình xe bán cà phê bình dân này là linh hoạt, dễ di chuyển và chất lượng cũng được các hãng đảm bảo “không thua gì trong quán” bởi xuất phát từ chung một nguồn cà phê, cùng cách pha chế. Có hãng cà phê đã kết hợp với chính quyền địa phương để trao tặng xe cà phê cho người nghèo. Việc này nhằm trao sinh kế, giúp cho người dân có công ăn việc làm ổn định và cũng là một cách tiếp cận mới với khách hàng.
Theo Ths Lê Anh Tú, giảng viên Đại học Văn Lang, mô hình cà phê nhượng quyền giá rẻ xuất hiện tại Việt Nam đã hơn 10 năm. Sau đợt dịch Covid-19, kinh tế nhiều gia đình khó khăn, và mô hình cà phê nhượng quyền giá rẻ này đối với họ cũng là một cách để khởi nghiệp, có một doanh nghiệp nho nhỏ riêng của mình. Do đó nó có sức sống bền bỉ bởi Việt Nam là đất nước rất chuộng cà phê. Các hộ kinh doanh cá thể khi tham gia nhượng quyền có thể tiếp cận với một thương hiệu đã được kiểm chứng và sức sống lâu bền, được người tiêu dùng yêu thích. Ngoài ra với các chính sách ưu đãi, nhượng quyền 0 đồng còn giúp cho người tham gia tăng được lợi nhuận…
Để phát triển bền vững mô hình này, cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp và người dân. Trong đó, người dân khi tham gia vào mô hình này phải theo sát quy trình của phía doanh nghiệp, phải có sự đồng bộ từ pha chế, chất lượng ở các điểm bán đó để có thể bảo vệ uy tín của quán cũng như của doanh nghiệp… Ths Lê Anh Tú nói: “Đối với doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ liên tục đối với các hộ kinh doanh, nếu các hộ kinh doanh còn gặp khó khăn trong quá trình vận hành hoặc chưa biết cách pha chế thì doanh nghiệp nên đưa ra cách hỗ trợ ngay lập tức để họ biết được cách làm, đạt hiệu quả nhất khi kinh doanh”.
Chuyên nghiệp hoá cà phê vỉa hè cũng như giúp cà phê sạch, giá rẻ phủ sóng rộng khắp cũng là một cách để các hệ sinh thái của ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam phát triển bền vững./.
Hà Khánh