Du lịch Lý Sơn khởi sắc

Du lịch huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang có những bước phục hồi mạnh mẽ...

 

Du lịch huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang có những bước phục hồi mạnh mẽ, du khách trở lại hòn đảo xinh đẹp này ngày một đông. Đến đây, du khách có cơ hội hòa mình vào làn nước trong vắt tại những bãi biển dài cát trắng, lặn ngắm những loài san hô, sinh vật biển kỳ thú dưới làn nước trong xanh và khám phá một điểm đến du lịch biển hấp dẫn của Việt Nam.

Lý Sơn điểm hẹn

9h sáng ngày thứ 5, mặc dù chưa phải là ngày cuối tuần nhưng bến cảng Sa Kỳ đã tấp nập những đoàn người xếp hàng chờ xuống tàu ra đảo. Chị Linh, trưởng đoàn vận động viên dù lượn từ Hà Nội ra tham dự Giải dù lượn hạ cánh chính xác Lý Sơn 2022, chia sẻ: “Khi setup cho đoàn đi tham gia sự kiện, không chỉ có vé tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn vào các ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật được bán hết từ trước vài tuần, phòng khách sạn cũng thường phải đặt trước nửa tháng. Lý do là vào các ngày cuối tuần, lượng du khách ra thăm đảo tăng đột biến kể từ sau khi Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Hơn thế, thời gian này ở Lý Sơn có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức khiến lượng du khách đổ về càng đông”.

Lý Sơn - điểm đến du lịch biển hấp dẫn của Việt Nam. Ảnh: T.C

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Ngãi, kể từ giữa tháng 3, du lịch trên đảo bắt đầu nhộn nhịp. Tuy chưa bằng những năm trước, nhưng đây là tín hiệu cho thấy du lịch đảo Lý Sơn đang có bước phục hồi mạnh mẽ. 6 tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn thường hết vé, cao điểm từ thứ 6 đến chủ nhật phải tăng cường lên 10 lượt tàu ra vào đảo, phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch.

Ông Mai Văn Tồn, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng Lý Sơn cho biết: “Ngày thường chỉ có 3 chuyến tàu chở từ 200 - 300 hành khách từ đất liền ra đảo, hành khách đi lại chủ yếu là người dân địa phương và cán bộ, chiến sĩ đi công tác. Vào những ngày cuối tuần, du khách đến Lý Sơn tăng, các đội tàu cao tốc liên tục thay phiên tăng cường công suất hoạt động, riêng thứ 6 đến chủ nhật phải tăng thêm 8 - 10 chuyến tàu để chở hơn 2 - 3 nghìn lượt khách”.

Được biết, vào các ngày cuối tuần, có hơn 10 ca nô du lịch chạy tuyến đảo lớn (Lý Sơn) - đảo bé (An Bình) phục vụ du khách và đi lại của người dân giữa 2 đảo. Chủ homestay Phước Lộc, chia sẻ, hiện các cơ sở du lịch tại đảo bé đã khôi phục hoạt động để đón khách. Những ngày cuối tuần, các homestay, ecolodge trên đảo đều full khách lưu trú, sử dụng dịch vụ và tham gia các tour trải nghiệm, khám phá rặng san hô quanh đảo.

“Khách lưu trú chỉ phải chi 100.000 - 150.000đ/đêm tại các homestay. Du khách cũng có thể lựa chọn cắm trại ngủ lều với một đêm lửa trại và tiệc nướng hải sản bên bãi biển. Nếu muốn đơn giản, du khách có thể đặt hàng tại các homestay phục vụ các bữa ăn đặc sản theo yêu cầu, giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, đội ngũ hướng dẫn viên bản địa cũng đã hoạt động trở lại, hướng dẫn du khách tham gia các tour lặn biển ngắm san hô, chèo SUP khám phá xung quanh đảo… So với những năm trước dịch Covid-19 tuy chưa bằng, nhưng trong hơn 2 tháng qua, lượng khách cũng đạt khoảng hơn 70%, mang lại niềm tin vào sự phục hồi ngành du lịch Lý Sơn, là niềm vui lớn cho người dân trên đảo”, chị Lộc cho biết.

Du khách trở lại hòn đảo xinh đẹp Lý Sơn ngày một đông. Ảnh: T.C

Dù cơ sở hạ tầng không thể sánh bằng các khu du lịch lớn, nhưng bù lại, Lý Sơn có vẻ đẹp hoang sơ của một vùng biển đảo chưa bị những xô bồ của xã hội hiện đại tàn phá, không có những bãi biển người chen người thò chân xuống nước, cũng không có những nhà hàng chặt chém du khách. Lý Sơn ẩn chứa trong mình vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, nơi du khách có thể thoải mái trải nghiệm, khám phá mà không bị ảnh hưởng bởi những hàng quán, dịch vụ xô bồ.

Anh Nguyễn Công Thành, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Đảo bé An Bình có rặng san hô tuyệt đẹp mà tôi rất thích, đặc biệt là nơi đây vẫn giữ được loài san hô đỏ quý hiếm đang nằm trong danh mục bảo tồn. Tại hòn Mù Ku bên đảo lớn cũng có rặng san hô còn nguyên sơ, không bị tàn phá như nhiều điểm du lịch biển khác. Ở Lý Sơn, không cần sử dụng bình lặn diving khá phức tạp, du khách chỉ với 1 bộ dụng cụ lặn snorkeling đơn giản là có thể thoải mái ngắm san hô và những loài sinh vật biển với đủ các sắc màu, vô cùng rực rỡ”.

Cột cờ tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới (đảo lớn) là một điêm check-in du khách không thể bỏ qua. Ảnh: T.C

Chuyển mình để thu hút du khách

Từ lâu, huyện đảo Lý Sơn được biết đến như là nơi không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa cổ và những lễ hội văn hóa đặc sắc. Trong đó, nổi bật nhất trong cụm di tích ở đảo là các di tích về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự cùng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo. Đình làng An Vĩnh và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp OCOP đã có thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước là hành, tỏi Lý Sơn để phát triển du lịch nông nghiệp. Các tour trải nghiệm nét đặc sắc của nghề trồng hành, tỏi trên cát đang là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Năm 2022, sau hơn 2 năm sống chung với dịch, nắm bắt thời cơ phục hồi ngay khi ngành du lịch cả nước hoạt động trở lại, Quảng Ngãi xác định Lý Sơn là “thỏi nam châm” thu hút du khách, là mũi nhọn chính để phục hồi ngành du lịch. Bởi lẽ đó, Quảng Ngãi tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng du lịch thông minh, tiện lợi, gắn với bảo tồn thiên nhiên và môi trường biển, bảo tồn văn hóa bản địa, môi trường du lịch xanh, bền vững.

Khám phá biển - đảo Lý Sơn trên thuyền thúng là một trải nghiệm thú vị. Ảnh: T.C

Phát triển các loại hình du lịch, nhất là đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng đang được Lý Sơn chú trọng. Cụ thể, một khách sạn trên đảo đang hoàn thiện Đề án tổ chức trình diễn Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thu nhỏ, tạo không gian văn hóa mang màu sắc riêng, đậm đà bản sắc văn hoá, lịch sử, biểu diễn cho khách du lịch. Bên cạnh đó, nhiều chương trình nghệ thuật dân gian như: hát bài chòi, hát ru, thổi ốc u… không gian xưa tiễn đưa binh phu Hoàng Sa vượt biển ra cắm mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam cũng được đầu tư dàn dựng.

Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Bên cạnh công tác bảo tồn thiên nhiên, văn hoá… chúng tôi tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa phục vụ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm du lịch; tập trung xử lý môi trường và nguồn nước ngọt phục vụ người dân cũng như khách du lịch được tốt hơn”.

Biểu diễn dù lượn trên đảo Lý Sơn. Ảnh: T.C

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Ngay từ cuối năm 2021, Lý Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, người dân và khách đến tham quan, lưu trú tại Lý Sơn, tăng cường kết nối sản phẩm với các địa phương trong cả nước với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, để du lịch Lý Sơn trở nên “văn minh, thân thiện và có trách nhiệm”.

Ngày 29/3 vừa qua, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc khai trương tuyến vận tải biển từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn. Đây là tuyến vận tải phục vụ đối tượng chính là khách du lịch, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, tàu sử dụng động cơ thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phục vụ lên tới gần 600 hành khách và rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến Lý Sơn chỉ hơn 2 giờ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận