Rủi ro khi mua hàng online: Khó kiểm soát thật - giả

Khi người dân quen với việc mua hàng trên sàn online thì các chiêu bán hàng lừa đảo, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trở nên nhức nhối.

 

Mua sắm online là xu hướng mạnh mẽ trong những năm trở lại lại đây. Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi lưu thông trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi người dân quen với việc mua hàng trên sàn online thì các chiêu bán hàng lừa đảo, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trở nên nhức nhối.

Mua hàng, được đất

Ngày 21/11/2022, khách hàng Thành Công (Minh Khai, Hà Nội) nhận gói hàng anh đặt mua trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada. Sau khi chuyển khoản thanh toán, anh Công khui gói hàng mà đáng lẽ phải là 1 chiếc camera hành trình nhãn hiệu Gopro hero 5 session, nhưng thật bất ngờ, bên trong gói hàng với mã đơn hàng, mã vận đơn và thông tin đơn hàng hoàn toàn trùng khớp với đơn hàng anh đã đặt trước đó lại là một cục đất. Rất may mắn cho anh Công khi khui gói hàng ngay trước mặt người giao hàng và vài người khác cùng chứng kiến, có clip và ảnh chụp lúc khui hàng nên có đủ chứng cứ để làm thủ tục trả hàng hoàn tiền theo hướng dẫn của nhân viên dịch vụ khách hàng Lazada

Cục đất trong gói hàng của anh Thành Công. Ảnh: NVCC

Không phải là lần đầu tiên mua hàng online nên anh Công rất bức xúc: “Tôi từng nhiều lần mua hàng online nhưng đây là lần đầu tiên gặp cú lừa như vậy, camera hành trình là món hàng giá trị lớn, dù sau đó đã được Lazada hoàn tiền nhưng vẫn rất bực bội bởi phải mất rất nhiều thời gian, công sức để làm thủ tục trả hàng, hoàn tiền. Trước đó tôi cũng từng mua hàng online và không hài lòng vì chất lượng không như trong quảng cáo, nhầm hàng… nhưng đó đều là những món hàng giá trị thấp nên thường cho qua. Lần này hàng giá trị lớn, lại nhận được 1 cục đất nên thực sự rất bức xúc”.

Trao đổi với nhiều khách hàng thường xuyên mua hàng trên các sàn TMĐT, được biết, việc khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái là khá phổ biến, mặc dù đã rất cẩn thận khi mua hàng.

“Để biết được hàng có “chuẩn” hay không, tôi thường nhìn lượt mua sản phẩm, sau đó đọc phần đánh giá, nhận xét về sản phẩm ngay bên dưới. Tuy nhiên, ngay cả khi đã so sánh, lựa chọn kỹ như vậy thì việc nhận biết hàng hóa thật, hàng giả trên chợ mạng rất khó vì chẳng có một chứng nhận chất lượng sản phẩm hay chứng nhận nguồn gốc hàng hoá nào. Tất cả chỉ dựa vào kinh nghiệm”, một khách hàng thường xuyên mua bán trên các sàn TMĐT, chia sẻ.

Một khách hàng khác (là hàng xóm của anh Công) chia sẻ: “Kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay tôi rất hay mua hàng online do điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, để tránh bị lừa, tôi không mua hàng có giá trị lớn trên các sàn TMĐT vì trước đó đã không ít lần mua phải hàng kém chất lượng. Bây giờ hết dịch, mình lên sàn TMĐT chỉ mua những mặt hàng có giá trị thấp, đồ dùng không quan trọng”.

Quy trình kiểm soát lỏng lẻo

Anh Phong, một chủ shop bán đồ dã ngoại tại Hà Nội thông qua gian hàng trên các sàn TMĐT cho biết, để mở một gian hàng trên các sàn như Lazada, shope, Tiki… là khá dễ dàng. Các shop chỉ cần khai báo online thông tin người bán, tài khoản ngân hàng và gửi kèm ảnh chụp CCCD cho sàn là có thể mở gian hàng. Chỉ với những sản phẩm liên quan đến sức khoẻ như dược phẩm, thực phẩm… thì mới phải gửi thêm bản chụp đăng ký chất lượng hàng hoá. Các sàn TMĐT cũng chỉ duyệt hồ sơ online mà không cần kiểm tra trực tiếp.

Việc quản lý chất lượng sản phẩm trên các sàn TMĐT hoàn toàn dựa vào quy trình đổi trả, hoàn tiền và đánh giá của khách hàng sau khi mua hàng

Cũng theo anh Phong, việc quản lý chất lượng sản phẩm trên các sàn TMĐT hoàn toàn dựa vào quy trình đổi trả, hoàn tiền và đánh giá của khách hàng sau khi mua hàng. Theo đó, trong vòng 2 - 3 ngày (tuỳ theo các sàn quy định) kể từ khi nhận hàng, nếu khách hàng không hài lòng về chất lượng sản phẩm thì có thể làm thủ tục trả hàng hoàn tiền, gửi yêu cầu hoàn tiền kèm hình ảnh, clip khi khui hàng cho sàn TMĐT. Khi đó, sàn TMĐT sẽ giữ lại khoản tiền khách hàng đã thanh toán, hướng dẫn khách hàng gửi trả hàng lại cho bên bán. Nếu thủ tục hoàn tất (thường mất khoảng 15 ngày) và được bên bán nhận lại hàng, khi đó sàn TMĐT sẽ hoàn tiền cho người mua.

Trên thực tế, tại các khu chung cư, đô thị mới có rất nhiều người mua hàng online thường xuyên không thể có mặt nhận hàng trực tiếp mà nhờ bảo vệ, hàng xóm nhận hàng hộ rồi chuyển khoản thanh toán. Nhiều trường hợp đi công tác vài ngày sau mới về nhận hàng, khi đó đã quá thời gian quy định được khiếu nại trả hàng. Phổ biến hơn là khi nhận hàng, thanh toán tiền nhưng khui hàng không quay lại clip, chụp ảnh làm bằng chứng cũng không thể làm thủ tục hoàn trả hàng theo quy định của sàn TMĐT. Như vậy, nếu như bị lừa đảo, hoặc không hài lòng về chất lượng hàng hoá cũng không thể khiếu nại với sàn TMĐT.

Ở góc độ bên bán, theo anh Phong chia sẻ, shop của anh từng gặp trường hợp khách khui hàng, sau đó làm hỏng hàng hoá rồi khiếu nại, hoàn trả hàng cho shop nhưng anh Phong cũng đành chịu thiệt vì khi nhân viên nhận lại gói hàng đã không quay lại clip khui kiểm tra hàng.

Chế tài xử lý chưa đủ

Theo nghị định số 98/2020/NĐ-CP, xử phạt từ 1 triệu đến 70 triệu đồng đối với hành vi bán hàng giả về giá trị công dụng. Phạt từ 1 triệu đến 50 triệu đồng với hành vi bán hàng giả về nhãn hàng bao bì. Phạt từ 300.000 đồng đến 30 triệu đồng với hành vi bán tem nhãn bao bì hàng giả.

Bên cạnh đó, đối với những hành vi đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt như sau: Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192, Bộ Luật Hình sự sẽ có thể bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Với tội bán hàng giả liên quan đến lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, theo điều 193 mức phạt từ 2 đến 5 năm và mức phạt cao nhất là tù chung thân. Với hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, theo điều 194 mức phạt từ 2 đến 7 năm và mức phạt cao nhất là tử hình.

“Quy định là vậy, tuy nhiên với tốc độ phát triển đến chóng mặt của TMĐT, mạng xã hội, chế tài xử lý vẫn tồn tại nhiều kẽ hở, không theo kịp thực tế. Vì vậy, đối với người tiêu dùng, cần hết sức tỉnh táo, thực sự là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả nhãn hiệu. Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng cần thể hiện vai trò của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, luật sư Nguyễn Văn Đoàn, đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ.

“Đối với các doanh nghiệp, cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin trung thực về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm trong giao dịch với người tiêu dùng. Đối với các sàn TMĐT cần có các công cụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, pháp nhân của các gian hàng, có chính sách chăm sóc khách hàng thuận tiện, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…”, anh Phong bày tỏ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận