Khai thông điểm nghẽn du lịch quốc tế

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 không như mong đợi ?

 

Việt Nam chủ động mở cửa du lịch bình thường trở lại từ 15/3/2022 và đã có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19… Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 không như mong đợi.
Du lịch quốc tế có điểm nghẽn?
Mở cửa du lịch bình thường trở lại sớm hơn nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022, không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh từ ngày 15/5/2022; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam với các hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các nền tảng số… Thị trường du lịch nội địa đã dần dần khôi phục trở lại nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã quay lại thị trường, mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh hè (tăng thêm khoảng 20%) để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm. Hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. Trong dịp cao điểm du lịch hè dành cho khách nội địa vừa qua, công suất phòng khách sạn tăng cao. Cụ thể, ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25 - 50%. Một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%.
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới: Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay quốc tế mới; Bamboo Airways tính đến thời điểm này đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so thời điểm trước dịch, trừ Moscow (Nga) và Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco (Mỹ) và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới những nơi du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung cả năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Cần tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Khắc phục nguyên nhân “đi trước, về sau”
Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam diễn ra mới đây dưới hình thức trực tuyến với 2 điểm cầu trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu trăn trở: Khi các nước khác còn đang chưa hết dịch Covid-19, Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm hơn so với các nước khác, ngay sau đó, chúng ta tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… Đến nay, chúng ta thấy chủ trương này là đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra, thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân tại sao Việt Nam lại “đi trước, về sau” trong phục hồi du lịch quốc tế. 
“Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Cần kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch.
Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế về tình hình phát triển du lịch nói chung và thu hút khách quốc tế vào Việt Nam nói riêng, đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến khả thi nhằm đẩy nhanh việc phục hồi toàn diện ngành du lịch, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Theo đó, một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế được các đại biểu nêu ra như: Chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả; việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế chưa được triển khai…
Nhằm đạt được mục tiêu phát triển du lịch nói chung, đón khách quốc tế nói riêng, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nhóm giải pháp, gồm: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu Covid-19; kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch; phát triển nhân lực du lịch.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, trong hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam; định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế; tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.../.

“Tất cả cùng phải cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận