Liên tục nâng cấp giá trị, đa dạng sản phẩm và xây dựng chuỗi liên kết là những yêu cầu bức thiết để đáp ứng nhu cầu du khách, phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.
“Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp xu thế”
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trong báo cáo đánh giá lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng sau 1 năm du lịch mở cửa bình thường trở lại, mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của Covid-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến việc thu hút khách.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới. Cần tăng cường nghiên cứu thị trường, cơ cấu lại thị trường du lịch, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cũng cho rằng cần phải xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch. Ông Bình nói: “Cần nhận thức được sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch, các doanh nghiệp du lịch chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch mới: Du lịch hội thảo MICE, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng… Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động và đóng góp nguồn lực của mình vào công việc xây dựng các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu mới của khách du lịch”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, nhận định: Hiện nay, việc khai thác du lịch tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác đúng tiềm năng. Sản phẩm chưa được đầu tư đủ sức hấp dẫn, độc đáo để giữ chân, tăng chi tiêu và khả năng quay lại của du khách. Các sản phẩm du lịch hiện nay so với thời điểm trước dịch gần như không có thay đổi, thậm chí có tình trạng xuống cấp, cũ kỹ, không còn phù hợp với thị hiếu của du khách. Các yếu tố trên đang làm giảm năng lực cạnh tranh về du lịch của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, cần xác định rõ thị trường, nguồn khách du lịch của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng, qua đó lập một chiến lược sản phẩm phù hợp. Thị hiếu của du khách đối với từng thị trường là khác nhau, nếu du khách châu Á tập trung nhiều vào nhóm nghỉ dưỡng và mua sắm, thì du khách Âu - Mỹ lại tập trung nhiều hơn vào nhóm sản phẩm trải nghiệm và văn hóa bản địa. Như vậy công tác xúc tiến sản phẩm du lịch Việt Nam tại nước ngoài sẽ chính xác và thiết thực hơn. Cần xác định đâu là sản phẩm đặc thù, thể hiện nét riêng, và có sự đầu tư đúng mức để thực sự đưa trải nghiệm về sản phẩm đến với du khách.
Nghiên cứu mô hình, xây dựng chuỗi liên kết giá trị
Giải quyết khó khăn và nâng cao sức hút, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đưa ra nhận định: Thứ nhất là tầm quan trọng của chuỗi liên kết giá trị du lịch. Trước đây, kinh doanh du lịch thường quan tâm đến việc sẽ được hưởng lợi gì thì nay để thành công thường nhắc đến chuỗi liên kết sẽ được hưởng lợi gì. Mô hình chuỗi giá trị du lịch gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, công nghệ sáng tạo, tài nguyên du lịch, giải trí, tham quan mua sắm và các dịch vụ khác đã được đề xuất. Thứ hai là về tiềm năng du lịch mua sắm, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe và các mô hình khác là rất lớn. Theo thống kê từ World Data, trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á về cơ bản giữ được doanh thu bình quân từ chi tiêu của khách du lịch. “Để có thể phát triển chuỗi giá trị du lịch, vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng, kết nối, điều phối và tạo điều kiện cho các thành phần tham gia cùng phát triển”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Đại diện Công ty Oxalic Adventure, ông Nguyễn Châu Á cho rằng, muốn phát triển ngành du lịch, chúng ta cần nghiên cứu lại mô hình kinh doanh du lịch, sản phẩm du lịch tại Việt Nam. Ông Nguyễn Châu Á nhấn mạnh: “Theo tôi, đa số công ty du lịch Việt đang kinh doanh theo mô hình B2B, tức là xây dựng sản phẩm, chào bán cho đối tác xong thì đối tác mới bán cho khách du lịch, sau đó chúng ta nhận khách và thực hiện chương trình đó. Mô hình như vậy sẽ có lợi ích và hạn chế gì? Hiện nay có những thay đổi lớn trong mô hình và xu thế đi du lịch. Đặc biệt là khách châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây chuộng mô hình tự đi du lịch, không qua công ty du lịch nữa, tự đặt vé máy bay, tự đặt tour và tự đặt mọi thứ. Ngành du lịch Việt Nam cần xác định được mục tiêu xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu du lịch. Các công ty du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa loại hình du lịch B2C (doanh nghiệp làm việc với khách hàng), hạn chế phụ thuộc vào công ty đối tác nước ngoài”./.