Cú hích visa

Chính phủ đã chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...

 

Chính phủ đã chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... gồm có việc tháo “nút thắt” visa để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Tháo “nút thắt” visa

Tờ trình của Chính phủ đề xuất: Thực hiện chủ trương cấp thị thực (visa) điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại; Đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế.

Visa điện tử sẽ được nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Tờ trình Chính phủ cho rằng việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa được tạm trú đến 45 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước có thời gian thực hiện các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.

Đồng thời, việc thực hiện các nội dung này sẽ không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí và nguồn lực của Nhà nước. Các chính sách mới này còn giúp giảm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan nhập xuất cảnh của người nước ngoài.

Việc làm này của Chính phủ đang tạo nên làn sóng mạnh mẽ, cổ vũ những người làm du lịch có hành động mạnh mẽ nhằm phục hồi du lịch quốc tế, được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích sau thời gian dài đóng băng vì đại dịch Covid-19.

Visa không phải là giải pháp duy nhất để thu hút khách quốc tế, nhưng là giải pháp hàng đầu.

Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart cho biết: “Những thông tin tại phiên họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 27/3 với nhiều nội dung liên quan đến cải thiện chính sách visa là tin rất vui với ngành du lịch. Trong đó, việc các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất “cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới” rất quan trọng. Hiện nay, khách truyền thống đã giảm đi nhiều và khách có xu hướng tự apply e-visa để đi du lịch nước ngoài. Vì thế, khả năng vào Việt Nam của các nhóm lẻ rất cao, kể cả với các thị trường lớn”.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours cho rằng, visa không phải là giải pháp duy nhất để thu hút khách đến Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến, nhưng là giải pháp hàng đầu: “Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng những khó khăn, bất cập đang được Chính phủ, Quốc hội vào cuộc tháo gỡ, thể hiện sự quan tâm thiết thực với ngành du lịch và sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi đầu tư, phát triển du lịch, mở rộng thị trường”.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Đề xuất này mở rộng visa cả “chiều rộng, chiều dài”, tức mở rộng diện cấp e-visa ra tất cả các nước và kéo dài thời gian lưu trú. Đây là bước tiến mới đáp ứng nhu cầu của khách và quá trình hội nhập với quốc tế.

“Nếu được Quốc hội thông qua đây sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tôi tin chắc con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay chúng ta sẽ đạt được và thậm chí là vượt. Đây là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung”, ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho rằng, đề xuất mới của Chính phủ về các chính sách visa sẽ tạo ra một luồng gió mới cho ngành du lịch Việt Nam đón khách quốc tế: “Việc quy định thời gian miễn thị thực 15 ngày đã làm mất đi đối tượng khách này vì họ có nhu cầu nghỉ dài ngày hơn (từ 3 - 4 tuần). Về nguyên tắc chúng ta có thể làm thủ tục visa để họ ở lại thêm, song những người đi du lịch không muốn làm thủ tục nhiều lần. Vì vậy, với những đề xuất của Chính phủ chắc chắn sẽ thu hút lượng khách vốn muốn ở Việt Nam dài ngày và là những đối tượng có khả năng chi trả cao”.

Phần lớn các quốc gia đều quy định thời hạn lưu trú từ 30 ngày trở lên, tạo cơ hội thuận lợi để chào đón du khách quốc tế.

Cần tranh thủ cơ hội

Từ nhiều năm trước, Thái Lan đã miễn thị thực cho du khách đến từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Con số này của Singapore và Malaysia thậm chí lên tới hơn 160 quốc gia, với Philippines là 157 quốc gia, vùng lãnh thổ… Phần lớn các quốc gia đều quy định thời hạn lưu trú từ 30 ngày trở lên, tạo cơ hội thuận lợi để chào đón du khách quốc tế.

Trở lại đường đua du lịch sau đại dịch Covid-19, để tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến, hàng loạt quốc gia đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực, và từ 15 ngày lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.

Đài Loan (Trung Quốc) lập tức áp dụng trở lại chính sách e-visa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Hàn Quốc nhanh chóng nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Sự nhanh nhạy trong áp dụng chính sách thị thực linh hoạt, thông thoáng đã góp phần tạo sức bật mạnh mẽ cho du lịch các quốc gia nói trên trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, chính sách visa của Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”, nên đã đánh mất lượng khách quốc tế có tâm lý ngần ngại với những thủ tục xin visa phức tạp, rườm rà. Giới chuyên gia cho rằng, nếu còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực./.

Việt Nam hiện đang áp dụng chính sách visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Hết thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì phải gia hạn. Thị thực điện tử (e-visa) được cấp cho công dân 80 nước, nhưng chỉ được 30 ngày và nhập cảnh một lần. Thời hạn miễn visa hiện chỉ áp dụng 15 ngày và chỉ cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có 11 nước châu Âu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận